Bác Võ Tá Hân – Người thầy

Trong cuộc sống, có rất nhiều người dạy ta điều này điều kia từ bé đến lớn. Tất cả những ai đã từng dạy ta một điều gì đó, cho dù nhỏ đi nữa, đều rất đáng được trân trọng, đều đáng gọi là thầy. Đó là truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt chúng ta. Nhưng trong cả cuộc đời, không có nhiều người có thể dạy ta những bài học sâu sắc có thể làm thay đổi hoàn toàn cách ta sống và cách ta nghĩ. Đối với cá nhân tôi, tôi sẽ không chỉ gọi những người như thế là thầy, mà tôi sẽ gọi họ là những “người thầy”.

Trong số những con người đặc biệt mà tôi có may mắn quen biết tại Singapore, có một người đặc biệt hơn cả, đến mức mà việc tôi dành hẳn một phần trong quyển sách này để viết về người đó trở thành việc… hết sức bình thường. Người ấy chính là bác Võ Tá Hân – một vị trưởng bối đã ngoài 60 nhưng vẫn mang trong mình trái tim tuổi trẻ. Đối với tôi, bác Hân là một người thầy thật sự theo đúng tất cả ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ “người thầy”.

bac vo ta han

Dĩ nhiên, tôi không nói những người như Adam Khoo không đáng làm thầy tôi. Mặc dù, tôi phải trả nhiều tiền để tham dự các khóa học của Adam, nhưng đối với tôi, giá trị của những điều tôi học được từ Adam đáng giá hơn số tiền tôi bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Chính vì vậy, tôi cũng chẳng ngần ngại gì khi gọi Adam là thầy. Nhưng đối với bác Hân thì khác, tôi phải gọi bác là “người thầy”.

Là một Giám đốc trong Hội đồng quản trị của Tập đoàn CDL (một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất của Singapore), cũng như là Chủ tịch của Hội Chuyên Gia Việt Nam tại Singapore – Vietnam2020, bác Hân là một người hết sức bận rộn. Vậy mà hầu như tuần nào bác cũng giành chút thời gian để trò chuyện với tôi, lúc ấy vẫn chỉ là một người trẻ hoàn toàn vô danh. Thông qua những lần trò chuyện đó, bác lồng vào những bài học về cuộc sống, mà chỉ có những người từng trải như bác mới có thể thấu hiểu được. Bác dạy cho tôi rất nhiều điều từ kinh nghiệm của bác: cách phân tích nhận định tình huống, cách giao tiếp, cách lãnh đạo người khác,… Bác chỉ cho tôi những hướng đi đúng, động viên tôi và đưa ra những lời khuyên hữu ích những lúc tôi cần.

Không những thế, cũng chính nhờ bác Hân mà tôi có thể thu thập được rất nhiều kinh nghiệm sống quý báu mà không phải người trẻ nào như tôi cũng may mắn có được. Và cũng thông qua bác, tôi được gặp cũng như quen biết với rất nhiều người có địa vị cao và thành đạt trong xã hội.

Nhiều khi tôi tự hỏi, bác bỏ nhiều thời gian công sức như thế để làm gì? Vì tiền ư, dĩ nhiên là không rồi, ở địa vị và tuổi đời của bác, tiền bạc có lẽ là thứ sau cùng bác phải quan tâm đến. Hay là vì danh, lại càng không phải. Tôi dám chắc điều này vì tôi đã làm việc với bác Hân rất nhiều trong Vietnam2020 (viết tắt là VN2020). Hội tập hợp các chuyên gia trẻ của Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Singapore nhằm giúp chúng tôi tăng cường kiến thức, kỹ năng và phát triển các mối quan hệ. Cùng lúc ấy, sử dụng nguồn tài nguyên trí tuệ và nhiệt huyết của hội để ủng hộ sự phát triển về kinh tế xã hội cho quê hương Việt Nam.

Tuy chỉ mới được thành lập từ năm 2008, nhưng VN2020 đã làm được nhiều việc thiết thực đóng góp một phần nào đó vào sự phát triển kinh tế xã hội cho Việt Nam như là: những chương trình từ thiện, những hội thảo miễn phí để chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn, kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm sống cho các bạn sinh viên Việt Nam tại Singapore, những hoạt động giúp đỡ các doanh nhân Việt Nam sang Singapore tìm đối tác kinh doanh, hay giúp doanh nhân Singapore về Việt Nam tìm đối tác,… Và dĩ nhiên là giúp đỡ các chuyên gia Việt Nam tại Singapore tiến xa hơn, nhanh hơn trong sự nghiệp của mình, để từ đó họ có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.

Hội VN2020 đã được bác Hân thành lập và lãnh đạo với những mục tiêu tốt đẹp như thế. Vậy mà mỗi lần hội làm được những chuyện mang ý nghĩa tích cực như là: chuyển hàng chục ngàn quyển sách khoa học kĩ thuật về Việt Nam, tổ chức họp mặt cho những doanh nhân hàng đầu Việt Nam và Singapore,… thì tất cả công trạng, bác Hân đều đẩy những người trẻ như tôi ra trước để nhận. Trong khi ở đằng sau hậu trường, bác đã làm rất nhiều việc để những đóng góp to lớn đó có thể thực hiện được.

Mặc dù vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và là doanh nhân thành đạt, thậm chí còn là tác giả của một quyển sách về kinh tế và kinh doanh có tựa đề “rất thơ”, Cánh Hoa Trước Gió, bác Hân lúc nào cũng khiêm tốn nói rằng: “Thời của bác đã hết, nay là thời của những người trẻ như tụi con”. Và dĩ nhiên, hành động của bác lúc nào cũng đi chung với lời nói, bởi vì bác luôn luôn tìm cách giúp đỡ những người trẻ giàu nhiệt huyết. Tôi đã từng gặp nhiều người thành đạt có quen biết với bác Hân, và thật không có gì ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, tất cả họ đều như tôi, lúc nào cũng hết mực kính trọng bác và tri ân bác ở điểm này hay điểm khác.

Mặc dù bác Hân thường tự nhận rằng mình đã “hết thời”, nhưng ở tuổi ngoài 60, bác vẫn tiếp tục vẫy vùng ở một công việc hoàn toàn mới – CEO của Trung Tâm Y Tế Đa Khoa Nhân Hòa – một trung tâm y tế vì cộng đồng người Việt có mức thu nhập thấp ở vùng nam California. Nhân Hòa là trung tâm chuyên giúp người nghèo và đón nhận tất cả mọi người dù họ không có tiền. Hiện tại, bác đang nỗ lực để Nhân Hòa thật vững chắc và là một niềm hãnh diện của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, một mô hình có thể sẽ được nhân bản tại các thành phố khác để giúp nhiều cộng đồng người Việt khác. Thậm chí dù tóc đã bạc trắng, bác vẫn dạy tôi mơ ước bởi vì không chỉ dừng ở mô hình Nhân Hòa, bác còn mong muốn sẽ thành lập một trung tâm cho người lớn tuổi ở giai đoạn cuối của cuộc đời.

Cho nên, tôi dám khẳng định rằng, những gì bác đang làm cho tôi và rất nhiều người trẻ khác, chắc chắn không phải vì một chút hư danh.

Trong xã hội hiện đại, khi việc tìm kiếm tri thức ngày càng trở nên dễ dàng hơn, cái người thầy truyền cho trò không còn chỉ đơn giản là tri thức nữa mà phải là cảm hứng sống. Đây cũng chính là nền tảng của mối quan hệ thầy – trò hiện đại. Bản thân tôi cũng thế, tôi là học trò của tất cả những ai mang đến cho tôi một bài học hữu ích nào đó, nhưng những người thầy mà tôi tôn kính nhất là những người truyền cảm hứng cho tôi – một trong những người đó, chắc chắn là bác Võ Tá Hân.

Nếu như trước khi gặp bác Hân, tôi vốn đơn giản chỉ là một người trẻ với đầu óc kinh doanh nhạy bén và khát vọng vươn lên không ngừng, thì sau khi gặp bác, tôi đã trở thành một người trẻ trưởng thành hơn. Vẫn đầu óc đó và khát vọng đó, nhưng nay tôi được trang bị thêm một lý tưởng – một lý tưởng đúng nghĩa theo cách của người làm kinh tế. Đó là: làm giàu cho bản thân một cách chân chính, và cùng lúc ấy, giúp nhiều người khác làm giàu một cách chân chính, từ đó giúp cho đất nước mình giàu mạnh hơn.

Ai trong chúng ta cũng đều biết rằng, dân giàu thì nước mới mạnh. Tôi tin rằng, nếu một ngày nào đó, khi Việt Nam có rất nhiều người biết làm giàu nhờ vào nỗ lực và trí tuệ của bản thân, và cùng đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội (tạo ra nhiều công ăn việc làm thu nhập cao, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, kĩ thuật, giáo dục, hỗ trợ các hoạt động xã hội hay từ thiện,…), thì đó là ngày đất nước chúng ta mới có thể thật sự trở nên hùng cường.

Với tư cách một người thầy và một người bạn lớn, bác Võ Tá Hân đã chỉ rõ cho tôi con đường lý tưởng của mình: nỗ lực góp phần phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam. Tôi và những bạn trẻ như tôi sẽ mãi tri ân bác vì những việc bác đã làm cho chúng tôi và cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

(Trích từ chương “Ra đi để trở về” – sách Sống và Khát Vọng)

Chia sẻ lên: