Giải Ig Nobel năm 2000 trong lĩnh vực tâm lý học được trao cho hai nhà khoa học David Dunning và Justin Kruger. Cả hai đã thực hiện một nghiên cứu khá thú vị được đặt tên Hiệu ứng Dunning-Kruger nhằm tìm hiểu về tâm lý nhận thức của con người. Nghiên cứu chỉ ra 1 điều rằng: người càng thiếu hiểu biết bao nhiêu thì càng “ảo tưởng sức mạnh” và tin rằng mình biết nhiều bấy nhiêu. Trong khi đó, ngược lại thì những chuyên gia luôn sợ rằng mình biết không đủ. Nghiên cứu của họ đã đưa ra một biểu đồ rất nổi tiếng trên thế giới. Theo đó, với cột tự tin, càng lên cao thì chúng ta càng tự tin, ở cột hiểu biết, càng đi xa thì càng hiểu biết.
Trong biểu đồ, chúng ta có thể thấy được sự tương quan giữa năng lực và mức độ tự tin. Theo đó, ở những người không có chút hiểu biết gì thì mức độ tự tin tương ứng hiển nhiên cũng bằng 0. Vấn đề lớn nhất của con người chúng ta đó là, khi một người không có hiểu biết có một tí hiểu biết thì sự tự tin của họ tăng vọt lên rất nhanh. Rồi sau đó, từ điểm rất tư tin này, càng tiếp tục học thì dần dần mức độ tự tin của người ta càng đi xuống, trong khi đó sự hiểu biết càng tăng. Họ càng hiểu biết thì sự tự tin càng đi xuống. Và đến một mức nào đó họ học đủ, biết đủ thì từ từ sự tự tin mới tăng trở lại, nhưng sẽ không bao giờ tăng được trở lại đỉnh cao mà người ta gọi là “ảo tưởng sức mạnh” hay “đỉnh cao của sự ngu dốt”.
Vì sao lại gọi đó là “đỉnh cao của sự ngu dốt”? Khi ta không biết thì ta lại nghĩ mình biết rất nhiều, đưa đến sự tự tin quá cao so với hiểu biết và kiến thức của bản thân. Tất cả con người chúng ta, cho dù là ai thì cũng có lúc trong cuộc đời đều đã đạt tới “đỉnh cao của sự ngu dốt”. Sự khác biệt là ở chỗ, có một số người sau khi đạt tới “đỉnh cao của sự ngu dốt” và họ chấp nhận ở trên đấy cả đời, họ nghĩ rằng mình biết rất nhiều, nhưng thật ra họ chẳng biết gì cả mà vẫn luôn luôn tự tin vào sự hiểu biết của mình. Nhưng vẫn có những người sau khi mà họ đạt “đỉnh cao của sự ngu dốt” rồi, họ nhận ra và lại tiếp tục học, và càng học, thì họ càng nhận ra một điều là họ không biết nhiều như mình nghĩ. Và dần dần họ bắt đầu thay đổi cách tư duy.
Về bản chất đây là tâm lý, nên ta không biết mình đang ở đâu. Cho nên cách duy nhất để mình vượt qua được đỉnh này chắc chắn là mình cứ tiếp tục học, học và học. Đơn giản là như vậy thôi. Bởi vì có một sự thật rằng: Ta không biết những gì mà ta không biết.