Cờ vây là môn cờ phức tạp nhất trong xã hội loài người chúng ta. Nó ra đời vào khoảng 4000 năm trước, nhưng lại là môn thể thao trí tuệ phức tạp nhất loài người từng phát minh.
Khoa học đã chứng minh rằng, số lượng nước đi có thể lựa chọn trong môn cờ vây còn nhiều hơn số lượng nguyên tử trong toàn vũ trụ cộng lại, điều đó đủ để cho thấy nó khó đến mức nào. Nếu so sánh với cờ vua thì về mặt khoa học, cờ vây khó hơn cờ vua rất nhiều và là một bộ môn phức tạp, rất khó chơi, chưa nói đến việc chơi giỏi.
Vì vậy, những người chơi cờ vây chuyên nghiệp, tinh thông bộ môn này, có thể được coi là những người cực kỳ thông minh, mà một đại diện tiêu biểu là Lee Sedol. Anh là một danh thủ cờ vây người Hàn Quốc, được ví là người hùng của quốc gia này, vì ở độ tuổi ngoài 30, anh đã vô địch thế giới môn cờ vây 18 lần, là một trong những đại kiện tướng 9 đẳng hiếm hoi trên thế giới. Nói cách khác, đây chính là một trong những người thông minh nhất trên hành tinh chúng ta, và anh thể hiện phẩm chất của mình thông qua cờ vây.
Vào năm 2016, Google phát minh ra một hệ thống trí tuệ nhân tạo ở đẳng cấp 1, đẳng cấp thấp nhất của công nghệ này, đặt tên là AlphaGo, và mang đi thách đấu Lee Sedol. Giải thưởng được treo là 1 triệu đô-la với một điều kiện: thắng 3/5 ván. Do số lượng nước đi có thể có là rất nhiều (nhiều hơn số lượng nguyên tử trong toàn vũ trụ cộng lại), Lee Sedol cho rằng cuộc thi này sẽ rất khó cho máy tính. Sau khi quan sát thêm ván cờ giữa phần mềm này với những kiện tướng khác trước đó, tuy AlphaGo có thắng nhưng chỉ là thắng những kiện tướng ở hàng vài trăm, thua xa đẳng cấp hàng đầu của mình, Lee Sedol nhận thấy những nước đi của phần mềm cũng rất bình thường nên chấp nhận lời thách đố với sự tự tin tuyệt đối, tuyên bố rằng mình có thể thắng 5 ván không gỡ.
Tuy nhiên, đó cũng chính là vấn đề không chỉ của riêng Lee Sedol mà còn là vấn đề của chúng ta, bởi vì chúng ta không hiểu được tốc độ học hỏi của máy tính. Con người chỉ có thể học hỏi và suy nghĩ ở tốc độ của cấp số cộng, chúng ta phát triển một cách từ từ, dần dần, mỗi ngày học thêm một chút. Nhưng máy tính thì khác, nó phát triển theo cấp số nhân, vì vậy, Lee Sedol không ngờ rằng, vài tháng sau khi gặp lại cùng đối thủ, nó đã biến thành một thứ hoàn toàn khác. Và kết quả là Lee Sedol thất bại nặng nề ở trận đấu đầu tiên, không những thế, anh không hiểu được vì sao mình lại thua.
Chưa hết hoang mang, anh về nghiên cứu cách đánh cờ của máy tính, quyết tâm “phục thù”. Anh có thời gian làm điều đó vì các trận đấu không diễn ra liên tục mà cách nhau đến vài ngày để người chơi nghỉ sức. Đáng buồn thay, Lee Sedol tiếp tục thua ở trận thứ 2, tiếp tục trở về nghiên cứu cách đánh cờ của máy tính và lại thua trận thứ 3, tức là đã thua chung cuộc. Đến trận thứ 4, nhận thấy rằng không còn gì để mất, anh quyết định áp dụng chiến thuật nguy hiểm nhất, là chiến thuật “cùng hy sinh”, thắng thua lúc này là chuyện hên xui may rủi. Anh chấp nhận rủi ro và may mắn thắng máy tính một ván.
Cả thế giới thở phào nhẹ nhõm một chút vì đó là ván cờ gỡ lại danh dự cho loài người. Môn thể thao trí tuệ phức tạp nhất mà chúng ta nghĩ ra đã bị máy tính nghiền nát không thương tiếc. Tuy nhiên, đến trận thứ 5, không ngạc nhiên, máy tính về nghiên cứu chiến thuật của Lee Sedol và lại tiếp tục chiến thắng dễ dàng. Ở trận thứ 4, dù chiến thắng nhưng Đại kiện tướng cũng thật sự trầy trật, anh bước ra với một thần sắc phờ phạc và thừa nhận rằng:
Tôi thắng, nhưng thật ra tôi rất hoang mang. Bởi vì tôi chưa bao giờ gặp một đối thủ như thế này. Máy tính chơi cờ không giống con người. Nó chơi cờ như ở một hành tinh khác đến.
Đó là nhận xét về trí tuệ nhân tạo của một trong những người thông minh nhất hành tinh. Thua với tỷ số 1-4, Lee Sedol cảm thấy mình đã “tỉ thí” với một trí tuệ không đến từ hành tinh này.
Cuối năm đó diễn ra đại hội cờ vây thế giới, nơi tập hợp toàn bộ “cao thủ” trong giới cờ vây, đặc biệt từ Hàn Quốc và Trung Quốc, cái nôi của bộ môn này. Rất nhiều người nói rằng sự thất bại của Lee Sedol trước máy tính là nỗi nhục của giới cờ vây và yêu cầu “phục hận”. Đáng tiếc, tại đại hội này, một mình AlphaGo của Google “tiếp chiêu” liên tục không nghỉ với 60 đại kiện tướng và thắng với tỉ số 60-0, trong đó có cả những người được 9 đẳng như Lee Sedol.
Vì vậy, Google sau đó đã xác định rằng phần mềm của mình là bất khả chiến bại nên quyết định không cho nó đấu với con người nữa. Họ phát minh ra một phần mềm phiên bản “con” của AlphaGo, đặt tên là AlphaGo Zero. Gọi là Zero vì đứa con này được sinh ra như một tờ giấy trắng. Và cũng đầy bất ngờ như “cha” của nó trước đây, chỉ sau một tuần, nó đã “giết chết” AlphaGo – phần mềm đã đánh bại 60 đại kiện tướng – 100 ván không gỡ.
3 năm sau khi nhận lời thách đấu của Google, năm 2019, Lee Sedol tuyên bố giải nghệ. Người đàn ông này đã làm rất nhiều thứ để trở thành biểu tượng của Hàn Quốc và anh hùng của người Hàn. Anh đã bỏ ra gần 40 năm cuộc đời để khổ luyện và trở nên lão luyện ở bộ môn thể thao trí tuệ “kinh khủng” nhất thế giới ở một độ tuổi rất trẻ. Vậy bạn có biết tại sao anh giải nghệ không? Khi được phỏng vấn lúc tuyên bố giải nghệ, Lee Sedol nói rằng:
Tôi giải nghệ bởi vì tôi không còn mục tiêu để hướng tới nữa.
Đây chính là một câu chuyện buồn, một sự cảnh báo cho loài người chúng ta. Khi bạn biết rằng dù bạn có giỏi đến đâu, trên đời vẫn sẽ luôn có một thứ giỏi hơn bạn ở một đẳng cấp mà bạn không bao giờ có thể với tới, thì lúc đó bạn không còn có thể cố gắng được nữa. Đó là điều mà trí tuệ nhân tạo đã làm với Lee Sedol, và đây có lẽ chỉ là sự khởi đầu của nó.