Trong cuộc sống, khi làm một điều gì đó, chúng ta thường hay lo lắng người khác nghĩ gì về mình. Nhưng khi nghĩ quá nhiều về điều đó thì bạn lại đánh mất những thứ quan trọng, những giá trị trong cuộc sống của mình.

Một cô giúp việc nọ có một cuộc hôn nhân rất buồn. Hai vợ chồng cô đã có con, tuy nhiên vì một xung đột trong gia đình mà mẹ chồng đã ép chồng cô bỏ vợ. Cô cảm thấy rất uất ức, tuy nhiên thay vì nỗ lực nhiều hơn trong cuộc sống, cô lại quyết tâm lấy một ông chồng khác với mục đích là để cho chồng cũ của mình “biết mặt”. Và khi người chồng cũ của cô có vợ mới thì cô lại càng uất ức hơn, càng quyết đi tìm một người chồng khác.

Qua câu chuyện trên có thể thấy rằng, đôi khi chúng ta quá lo lắng về chuyện người khác nghĩ gì về mình, họ có đang coi thường mình chăng… Nhưng bạn nên nhớ, việc người khác nghĩ gì về bạn về cơ bản chẳng ảnh hưởng gì đến bạn cả. Cách duy nhất để người khác có thể ảnh hưởng đến bạn đó là khi bạn cho phép họ ảnh hưởng đến mình. Khi bạn lo lắng người khác nghĩ gì về mình thì điều đó mới ảnh hưởng đến bạn, còn nếu không, thật ra chuyện đó chẳng ảnh hưởng tí gì cả. Người ta chỉ có thể xem thường bạn khi bạn cho phép họ làm điều đó. 

Cô em gái của thầy Trần Đăng Khoa chính là một niềm tự hào của thầy. Nhỏ hơn thầy đến 10 tuổi và có một người anh rất thành công trong sự nghiệp, vậy mà khi đi học, cô không bao giờ cho bạn bè biết về gia đình của mình ở đâu hay làm gì cả. Vì cô muốn bạn bè xem mình như một sinh viên bình thường, thậm chí là một sinh viên nghèo. Hàng ngày cô vẫn đi chiếc xe “cà tàng” với chiếc yên rách, hỏng tới hỏng lui. Có hôm xe hỏng, cô nhờ anh trai chở đến trường, thầy phải ngừng xe cách trường khoảng 200m để cô đi bộ vào. Chỉ có một vài người bạn thân thiết biết thầy là anh của cô.

Lúc tốt nghiệp ra trường, cô có công việc đầu tiên với mức lương 4,5 triệu/tháng, cô vẫn làm trong khi nỗ lực tìm những công việc khác. Mặc dù thầy Trần Đăng Khoa có thể giúp cô tìm việc tốt hơn nhưng cô vẫn nhất định không nhờ đến anh mình. Sau khoảng nửa năm làm công việc đầu tiên, cô có một công việc mới với mức lương 7,5 triệu/ tháng. Và từ đó mức lương của cô bắt đầu tăng lên mười mấy triệu, trở thành một trong những nhân viên giỏi nhất của sếp mình. Ngày hôm nay, sau 3, 4 năm, cô và chồng mình thành lập công ty riêng và vừa hoàn thành dự án đầu tiên trị giá 1,5 tỷ với mức lợi nhuận 300 triệu. Trên toàn bộ con đường đó, tất cả những gì thầy Trần Đăng Khoa giúp em gái mình đó là để cô tham gia những khóa học lãnh đạo, khởi nghiệp… tại EVOL. Cô chính là một người có lòng tự trọng rất cao.

Vào ngày được tăng lương, cô đưa mẹ mình đến ăn ở một nhà hàng sang trọng, vẫn trên chiếc xe cũ kỹ của mình. Mẹ cô bảo,

“Con ơi, nhà hàng này sang trọng mà xe con cũ quá, đến yên xe còn bị rách, vậy thì có kỳ lắm không con?”

Lúc này, cô quay sang và nói với mẹ rằng,

“Mẹ ơi, mình có tiền vào đây là được rồi mẹ, còn đi xe nào không quan trọng”.

Trong cuộc đời, muốn thành công thì bạn cần có lòng tự trọng, nhưng bạn không cần sĩ diện. Lòng tự trọng là giá trị của bạn, là thứ bạn cần phải bảo vệ. Còn sĩ diện là thứ không phải giá trị của bạn nhưng bạn vẫn muốn bảo vệ nó. Sĩ diện và tự trọng là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Vậy nên chúng ta hãy cứ thoải mái sống cuộc đời này, đừng lo. Nếu bạn không làm sai đạo đức, không làm sai pháp luật thì bạn chẳng cần lo người khác nghĩ gì về mình cả, Bởi vì sẽ luôn luôn có người nghĩ về bạn theo những cách mà bạn không hề mong muốn.