Đa số mọi người không dám hành động và làm rất nhiều điều trong cuộc sống. Chúng ta không dám sale, không dám tỏ tình, không dám đề nghị sếp tăng lương, không dám nhắc nhở nhân viên của mình, không dám nói chuyện với bố mẹ của mình về một chuyện mà chúng ta không đồng ý. Chúng ta không dám làm rất nhiều thứ vì một suy nghĩ, đó là chúng ta có thể thất bại.
Nhưng bạn có biết có một triết lý về sự thất bại nhưng có thể giúp bạn tự do hành động một cách thoải mái hơn không? Đó là: “Không có thất bại, chỉ có sự phản hồi”. Một trong những điều biểu hiện cho giá trị tự do chính là chúng ta dám làm những việc mà chúng ta nghĩ là khả thi, là đúng, nhưng nếu sợ thất bại thì chúng ta không dám làm nữa, chúng ta tự giới hạn tự do của mình. Việc chuyển sang lối tư duy trên đồng nghĩa với việc đối với bạn, trong cuộc đời không có sự thất bại.
Khi thực hiện một điều gì đó, ví dụ như thành lập công ty, có thể bạn sẽ có những dự án thành công hoặc, những dự án thất bại khiến bạn mất rất nhiều tiền, nhưng tất cả những điều đó đều là sự phản hồi. Vấn đề ở chỗ, đối với những người không nghĩ rằng đó chỉ là sự phản hồi thì mỗi khi làm sai, họ rất khó công nhận là mình sai mà sẽ hành xử theo hai hướng. Thứ nhất, họ phủi bỏ vấn đề, dù đã biết mình sai nhưng cố gắng biện hộ thành đúng. Đây là kiểu người rất khó để sống và làm việc cùng, vì vậy chúng ta sẽ tìm cách để không gặp những trường hợp này. Kiểu thứ hai, những người này biết họ sai nhưng sau đó nói “trớ” đi theo một hướng khác. Lý do cho hành vi đó là bởi vì chúng ta sợ thất bại. Nhưng một lần nữa, trên cuộc đời không có sự thất bại mà chỉ có sự phản hồi. Và tất cả mọi thứ chỉ là phản hồi lớn hay phản hồi nhỏ mà thôi.
Ví dụ, bạn cắm chìa khóa vào ổ và vặn. Khóa không mở, vậy có phải là bạn thất bại không? Không. Bạn không mở được cửa chỉ đơn giản là sự phản hồi của ở khóa rằng vặn như vậy thì không mở được. Bạn tỏ tình với một cô gái, “Anh yêu em”. Cô gái đáp lại, “Ai yêu anh?”. Đó không phải là sự thất bại, chỉ đơn giản là sự phản hồi vì nhiều lý do. Có thể do bạn nói quá trực tiếp làm họ không thích, hoặc có thể bạn chưa đủ đồng điệu. Tất cả những điều đó đều là sự phản hồi.
Ngoài xã hội, người thành công là những người “mặt dày” theo nghĩa tốt. Người ta thường nói, người thành công không sợ thất bại, nhưng thật ra không đúng. Trên đời này không ai là không sợ thất bại, kể cả người thành công. Ai làm gì cũng mong mình đúng và không ai mong hay thích mình sai cả. Sợ thất bại là điều tốt vì đó là động lực để chúng ta cố gắng không thất bại. Nhưng dù có sợ thất bại đến mức nào, cuối cùng chúng ta vẫn sẽ có lúc gặp thất bại. Thậm chí bạn có thể đã đúng rất nhiều chuyện nhỏ nhưng lại để sai ngay một vấn đề lớn. Bạn kiếm được 10 đồng cho công ty nhưng phạm một sai lầm lớn để mất 20 đồng. Nhưng thật ra đó không phải là thất bại, đó là sự phản hồi. Cha mẹ dạy con, thấy con mình hư thì thường chê là con hư hoặc tự đổ lỗi cho bản thân. Hành vi không hợp tác của con cái chỉ là sự phản hồi, hành vi không hợp tác của nhân viên, đồng nghiệp, người xung quanh khác cũng vậy.
Kể từ giờ trở đi, đây là kiểu triết lý tư duy mà bạn cần phải có trong cuộc đời của mình, bởi vì có một điều chắc chắn, nó sẽ thay đổi cuộc đời bạn, đặc biệt là với những ai làm việc với con người, có thể bạn đã hiểu sai những người xung quanh mình khá nhiều. Bạn đã hiểu sai tính cách, tâm lý, ý định của họ và rất nhiều thứ khác. Nhưng tất cả những thứ đó không phải là thất bại, chỉ là phản hồi. Người thông minh không phải là người không thất bại, mà là người mà mỗi lần gặp một phản hồi không như mong muốn thì phải học cách thay đổi, cải tiến và làm tốt hơn.