Là một trong những diễn giả hàng đầu của Việt Nam và chuyên gia đào tạo các khóa học về kỹ năng dành cho nhiều lứa tuổi (học sinh sinh viên, người trưởng thành…) đồng thời cũng là dịch giả của những cuốn sách bán chạy nhất trong nhiều năm như “Tôi tài giỏi, Bạn cũng thế”, “Bí quyết tay trắng thành triệu phú”, “Sống mạnh mẽ”, “Bí quyết gây dựng cơ nghiệp bạc tỉ”,… Trần Đăng Khoa từ lâu đã trở thành một cái tên quen thuộc đối nhiều tầng lớp người Việt Nam ngày nay.
Từng sống, học tập và làm việc ở nước ngoài nhiều năm, khi về Việt Nam, Trần Đăng Khoa luôn ước mơ rằng trong mười năm sẽ giúp một triệu người Việt Nam thành công hơn. Đối với anh, sự thành công không chỉ là sống tự do với ước mơ của mình mà còn là góp phần cống hiến cho xã hội để từng bước vươn tới những mục tiêu to lớn mỗi ngày. Những thông điệp Trần Đăng Khoa muốn gửi gắm đến các bạn trẻ không chỉ là sống và khát vọng mà quan trọng hơn nữa là ý chí và niềm tin rằng: “Điều quan trọng nhất không phải là thời điểm bạn đạt được mục tiêu, mà là đoạn đường bạn đã can đảm đi qua để đạt được nó. Nếu muốn cảm thấy hạnh phúc và không bao giờ nản chí, bạn cần phải biết trân trọng đoạn đường đó, trân trọng công sức và nỗ lực của mình”.
Phóng viên của Tạp chí Hương Việt đã có cuộc trò chuyện với diễn giả Trần Đăng Khoa trong những ngày gần đây.
PV: Tại hội nghị tổng kết phát hành sách năm 2010 vừa qua cuốn sách “Tôi tài giỏi, Bạn cũng thế!” đã đạt số lượng 150.000 bản, tạo nên kỷ lục của ngành xuất bản sách quốc văn. Đó có phải là một thành công lớn của anh?
Đây thật sự là một tin rất vui đối với chúng tôi, một cột mốc đánh dấu chặng đường không ngơi nghỉ để mang quyển sách hữu ích này đến tay ngày càng nhiều độc giả trên khắp đất nước Việt Nam. Bên cạnh “Tôi tài giỏi, Bạn cũng thế!” thì hầu hết sách của TGM Books hiện nay đều lọt vào TOP 100 quyển sách bán chạy nhất tại Việt, trong đó có 3 quyển nằm trong nhóm TOP 10.
Tôi nghĩ đó là một thành công lớn, nhưng không phải của tôi mà là của những con người trong TGM Books nói riêng và cả TGM nói chung.
PV: “Tôi tài giỏi, Bạn cũng thế” chỉ bán được hơn 200 cuốn trong 4 tháng đầu trong tổng số 5000 cuốn được in, đó là một thất bại và là những tháng ngày tháng đen tối của anh. Nếu như không có sự nhạy bén của Trưởng phòng kinh doanh nội địa của FAHASA ở thời điểm đó, anh có nghĩ mình sẽ thành công như ngày hôm nay không?
Bản thân tôi không xem đó là “thất bại” mà là một “bài học kinh nghiệm” quý báu. Thành công mà chúng tôi đạt được ngày hôm nay là kết quả của những tháng ngày cần mẫn dịch sách, chăm chút từng chi tiết để cho ra đời một quyển sách chất lượng cao, cùng với sự kiên trì, quyết tâm mạnh mẽ mang quyển sách đó đến tay độc giả Việt Nam của cả một tập thể. Dĩ nhiên, sự giúp sức của những người khác là không thể thiếu và rất quan trọng. Chính vì thế, chúng tôi luôn trân trọng những người đã giúp đỡ chúng tôi. Nhưng trước khi mong chờ người khác giúp mình thì mình vẫn phải tự giúp mình trước.
PV: Bỏ ra một khoản tiền lớn để mua bản quyền cuốn sách “Tôi tài giỏi, Bạn cũng thế!” của Adams Khoo, nửa năm trời dồn bao nhiêu công sức vào để dịch sách sang tiếng Việt, rồi sau đó bỏ ra hơn 200 triệu để phát hành dù thời điểm đó anh không hề biết kết quả sẽ ra sao, tại sao anh lại quyết định mạo hiểm như vậy?
Khi quyết định nghỉ làm để ở nhà chuyên tâm dịch sách, tôi chỉ quan tâm một điều duy nhất là dịch thật hay và mang cuốn sách này về Việt Nam để giúp các bạn trẻ được tiếp cận với những phương pháp học tập tiên tiến nhất. Tôi tin vào những gì mình làm và tập trung nỗ lực hết sức mình để thực hiện nó. Ở đời mình cứ sống, mơ ước và cống hiến hết mình, không thành công thì cũng thành nhân.
PV: Anh từng phát biểu: “Mục tiêu của tôi là giúp 1 triệu người Việt Nam hạnh phúc và thành công hơn nhờ những quyển sách, những buổi hội thảo và những khóa học của tôi”, anh thấy mình đã đi được bao xa trên chặng đường này rồi ?
Thực sự khi đặt ra mục tiêu đó, tôi nghĩ rằng mình sẽ mất rất nhiều năm để đạt được nó. Nhưng điều ngạc nhiên là chỉ sau 2 năm kể từ khi khóa học Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế! đầu tiên được tổ chức, đến nay đã có hàng trăm bạn trẻ cùng đồng hành với tôi trong đội ngũ TGM để giúp hiện thực hóa mục tiêu đó một cách mạnh mẽ và nhanh chóng hơn.
Nếu tính theo những con số thống kê với hàng trăm ngàn quyển sách đã được phân phối, hàng chục ngàn học viên và thính giả đã tham gia các các khóa học và hội thảo thì chúng tôi đã đi được hơn nửa chặng đường. Nhưng điều quan trọng không phải là con số 1 triệu, vì khó ai đo đếm được lắm. Cho nên tôi lại càng không thích dùng còn số đó để khoa trương. Điều quan trọng là làm thế nào để người Việt chúng ta “hạnh phúc và thành công hơn”, còn con số chỉ là một cái đích đến để mình luôn phấn đấu mà thôi.
PV: Nhiều người có vẻ hoài nghi, thậm chí thất vọng, đối với người trẻ ngày nay, họ cho rắng thế giới của các bạn trẻ bây giờ rộng lớn và thay đổi cũng nhanh hơn, họ sống thực dụng hơn và ít lý tưởng hơn. Nhưng anh lại cho rằng các bạn trẻ thật tuyệt vời. Vậy, anh có thể cho bạn đọc của tạp chí Hương Việt biết vì sao anh có những suy nghĩ và nhận định như thế?
Về vấn đề này, tôi đã viết một bài chia sẻ trên tùy bút của mình. Hôm nay xin được chia sẻ lại với các bạn quan điểm của tôi.
Đúng là thế giới của các bạn trẻ ngày nay rộng lớn và năng động hơn. Điều đó có thể hữu ích hoặc không với các bạn trẻ tùy theo cách họ sống. Tuy nhiên, người ta thường chú ý nhiều hơn đến những điều tiêu cực. Cho nên nếu chỉ dựa vào những thông tin bề nổi để đánh giá cả một thế hệ như vậy liệu có công bằng không? Thế hệ nào cũng có những cái hay lẫn cái chưa hay. Tôi tự hỏi rằng vào những năm 1980 khi chúng tôi đang tuổi teen, nếu các mạng xã hội (blog, mạng xã hội, chat…) cũng phát triển mạnh mẽ như hiện nay, thì chúng tôi có cùng chung số phận với lứa tuổi 9x ngày nay hay không? Câu trả lời gần như chắc chắn: “Có!”. Thế hệ 8x, 7x hay thậm chí 6x, 5x… đều có những khuyết điểm riêng. Tôi còn nhớ một câu chuyện vui kể về vị đại biểu quốc hội nọ đứng lên đọc một bài báo viết rất hùng hồn về những điểm chưa tốt của thế hệ trẻ. Sau đó, ông được cả quốc hội vỗ tay hết sức nồng nhiệt. Đợi dứt tiếng vỗ tay, ông mới nói hết ý cuối cùng: “Bài báo tôi vừa đọc cho quý đại biểu nghe được viết cách đây hơn… 30 năm về trước”.
Cho nên, nếu thế hệ 8x (và lớn hơn) hôm nay nghĩ rằng chúng ta từng sống tốt hơn thế hệ 9x, thì có lẽ chúng ta cần… suy nghĩ lại. Tôi tin rằng chúng ta đã và đang sống tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là thế hệ chúng ta tốt hay xấu hơn thế hệ nào. Những gì một thế hệ làm được cho xã hội hay đất nước phải được đánh giá bằng kết quả chung đặt trong hoàn cảnh lịch sử và từ những nỗ lực của cả thế hệ ấy chứ không phải bằng những điều (tốt hay xấu) mà vài cá nhân thể hiện.
Nói chung, thế hệ nào cũng có mặt tốt và xấu, nhưng trước khi trách thế hệ đi sau thì thế hệ đi trước nên tự hỏi mình đã làm được gì và để lại di sản gì cho con em.
PV: Ngày nay nhiều tri thức trẻ người Việt thành danh ở các trường đại học danh tiếng đều không có ý định trở về Việt Nam vì điều kiện nước nhà còn thiếu thốn, không đáp ứng được những khát khao của họ, còn anh lại quyết định trở về. Vì dòng máu quê hương hay Việt Nam có điều gì hứa hẹn với anh?
Việc này tùy thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người. Tôi tin các bạn cũng đồng ý rằng cùng một sự việc, có người cho rằng đó là khó khăn nhưng có người thấy đó là cơ hội, là thử thách. Với tôi, đó là thử thách vì tôi nhìn thấy cơ hội đóng góp cho nền giáo dục nước nhà.
Đúng là “Vạn sự khởi đầu nan”. Ban đầu thì nguy cơ nhiều hơn thuận lợi. Nhưng “nguy cơ” gồm hai chữ, chữ “nguy” là sự hiểm nguy và chữ “cơ” là cơ hội. Trong hiểm nguy luôn tiềm ẩn cơ hội. Miễn là dám đương đầu với nguy cơ thì bạn sẽ nhìn thấy sự việc ở khía cạnh tích cực hơn.
PV: Có ý kiến cho rằng tình yêu quê cha đất tổ thì ai cũng có, nhưng đôi khi vì yêu mà chúng ta phải ra đi và ở lại để học hỏi và tiến bộ, gia tăng nhận thức đúng sai, có điều kiện đóng góp cho nhân loại, tạo danh tiếng cho quê hương, có thể giúp đỡ gia đình, đó cũng là một cách đóng góp cho tổ quốc từ xa. Anh nghĩ như thế nào về điều đó?
Bản thân tôi cũng học tập và làm việc nhiều năm ở nước ngoài. Tôi hiểu rằng việc chúng ta đi đến những đất nước mới, học hỏi những điều mới để tiến bộ là điều rất cần thiết. Cho nên điều quan trọng không phải là bạn đang sống ở đâu, mà là bạn đã và sẽ cống hiến cho đất nước như thế nào.
PV: Có những người phải gần cuối đời mới nhận ra những quy luật và các con đường để thành công và hạnh phúc, nhưng anh đã làm được điều đó từ trước tuổi 30, đó có phải là may mắn hay không?
Bạn có thể thấy rất nhiều người trên thế giới thành công khi tuổi còn rất trẻ. Vậy tất cả họ đều gặp may ư? Không, họ thành công hoàn toàn là nhờ nỗ lực. Bạn thấy đó, việc nhận ra những quy luật để thành công không phụ thuộc vào việc bạn sống bao nhiêu năm, mà phụ thuộc vào việc bạn sống và nỗ lực học hỏi như thế nào. Có người học ở trường lớp, có người chọn học ở trường đời. Tôi chọn học ở trường lớp trước rồi mới ra trường đời vì nếu không có kiến thức nền tảng từ trường lớp thì “học phí” ở trường đời đắt lắm.
Nhưng sống tốt chưa đủ, bạn còn phải tìm cách rèn luyện bản thân. Những khó khăn thất bại trong những năm đầu lập nghiệp giúp tôi nhận ra rằng đầu tư cho bản thân là điều hết sức quan trọng. Thông qua những khóa học phát triển bản thân của AKLTG và những cuốn sách hay, tôi học hỏi được những điều mà những người khác phải mất nhiều năm hoặc thậm chí phải trả giá rất đắt để học được. Chính nhờ sự học hỏi và nỗ lực, từ một con nghiện game, tôi đã trở thành một doanh nhân, người biết cách làm chủ cuộc sống thay vì bị cuộc sống làm chủ.
May mắn lớn nhất của tôi có lẽ là tôi biết “cúi đầu học hỏi người đi trước và hành động” thay vì “vỗ ngực ta đây biết hết, chỉ là chưa muốn làm”.
PV: Trong các khóa học và những trang sách của mình, anh đã nhắn nhủ với các bạn trẻ Việt Nam rằng hãy biết vượt lên chính mình, tự lập, sống vì những ước mơ của mình và đừng bao giờ từ bỏ, vậy anh có muốn nhắn nhủ thêm điều gì với các bạn trẻ Việt hiện sinh sống và học tập ở châu Âu?
Tôi muốn nói với các bạn trẻ ở nước ngoài rằng: Với số lượng người Việt Nam ít ỏi sinh sống nơi xứ người, các bạn thường được xem là đại diện cho cả dân tộc. Do đó, chúng ta cần hết sức cẩn trọng trong lời nói và hành động để tránh tạo tiếng xấu cho đất nước mình. Sống trong một môi trường hiện đại, đầy cạnh tranh và thử thách, các bạn có thể có những kỹ năng tốt nhờ môi trường năng động này, vì vậy hãy tận dụng cơ hội để học hỏi và tìm cách vươn lên. Bên cạnh đó, tìm cách vươn lên vẫn chưa đủ, các bạn đồng thời còn cần tìm cách làm cho cuộc sống của mình, và của những người xung quanh nếu có thể, thêm ý nghĩa.
PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện. Thay mặt Tạp chí Hương Việt, Yến Anh chúc tất cả những ước mơ và dự định của anh sẽ thành hiện thực.
Thực hiện: Hoàng Yến Anh – Tapchihuongviet.eu
—
Sống và Khát Vọng
Nếu bạn mong muốn làm chủ cuộc đời mình, khám phá tiềm năng của bản thân và sống một cuộc đời ý nghĩa thì chắc chắn đây là khóa học mà bạn đang tìm kiếm. Khóa học sẽ cung cấp cho bạn chiếc chìa khóa để khám phá câu trả lời cho riêng mình và đưa cuộc sống của bạn lên một tầm cao mới thông qua các trải nghiệm tâm lý đặc biệt mô phỏng lại từ thực tế cuộc sống.
[su_button url=”https://next.tgm.vn/project/khoa-hoc-song-va-khat-vong/” target=”blank” style=”flat” background=”#ef8c2d” size=”10″]ĐĂNG KÝ NGAY[/su_button]
———–
Để cập nhật tin tức mới nhất về EVOL GROUP và theo dõi những chia sẻ đầy tâm huyết của Thầy Trần Đăng Khoa, bạn có thể theo dõi Facebook cá nhân của Thầy tại đây. |