Bạn đã bao giờ cảm thấy khó chịu và dừng cuộc nói chuyện khi nói mãi mà người đối diện vẫn không hiểu ý mình? Khi chúng ta giao tiếp về một vấn đề nào đó, thường thì chúng ta sẽ muốn người khác hiểu ý mà mình muốn truyền đạt. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, chưa chắc người nói chuyện với ta đã hiểu được ý ta muốn.

Vì lẽ đó, khi bạn nói một điều gì đó, nếu người khác giận bạn, thì đó là ý nghĩa của điều bạn giao tiếp. Khi bạn tin rằng điều bạn nói là dễ hiểu nhưng người khác không hiểu, đó cũng chính là ý nghĩa của điều bạn giao tiếp, đó là bạn không làm cho họ hiểu.

Làm cho người khác hiểu được ý của bạn chính là trách nhiệm của bạn. Khi không thể làm cho người khác hiểu ý của mình, một số người quay ra đổ lỗi cho đối phương, cho rằng họ ngốc nghếch nên nói mãi mà không hiểu. Tuy nhiên, lý do có thể là vì đối phương không có hiểu biết sâu như bạn về vấn đề mà bạn đang nói tới, và ta không thể dùng điều đó để xét rằng họ ngốc nghếch hay không. Bởi vì không phải ai cũng có cách tiếp cận vấn đề giống nhau, vì vậy, có thể cách giải thích của bạn chưa phù hợp với đối tượng đó.

Chẳng hạn, người không thường xuyên tiếp xúc với những kiến thức về công nghệ, kinh tế, đầu tư,v.v., thì khi bỗng dưng phải tiếp thu những thông tin như thế từ lớp học, từ chuyên gia, họ sẽ khó mà hiểu được ngay. Chúng ta không nên đổ lỗi cho họ, cho rằng do họ “dốt” về kinh tế, đầu tư, kỹ thuật nên mới không hiểu được. Nếu thật sự những người này đã giỏi trong vấn đề đó thì họ đã không cần tìm đến một người hướng dẫn để giải thích vấn đề cho họ. Vì vậy,  bạn không thể cứ mặc định trong đầu rằng ý của bạn là như thế nào thì người khác phải hiểu đúng y như thế. Thay vào đó, ý nghĩa mà người khác nhận được từ việc giao tiếp với bạn mới chính là ý nghĩa của việc bạn giao tiếp.

Điều này thường phản ánh rất rõ ràng trong cách thể hiện tình yêu thương của bố mẹ dành cho con cái. Phần lớn cha mẹ đều yêu thương con cái bằng cả trái tim của mình. Thậm chí, nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, cha mẹ có thể hy sinh sự sống để bảo vệ con, đó là điều có thật. Khi có tình huống bất ngờ xảy ra, phản xạ mà người làm cha mẹ thiết lập sẵn trong tiềm thức chính là lấy thân mình để che chắn cho con. Bản năng đó của người làm cha mẹ đã chứng tỏ tình yêu thương vô bờ của họ với con cái, nhưng vấn đề của phần lớn mọi người là họ không thể giao tiếp được tình yêu này với con. Họ không thể làm cho con hiểu được rằng họ có thể chết vì con như vậy, thậm chí, ngược lại, họ còn bị con mình ghét.

Điều đó xảy ra vì có những bậc phụ huynh không biết cách giao tiếp thông điệp “ba yêu con”, “mẹ yêu con” với con mình. Con cái không cảm nhận được tất cả những điều đó. Bạn có thể chỉ đơn giản là hành động theo cách mình nghĩ và cho rằng đó là yêu con, nhưng về phía đứa bé, chưa chắc nó đã cảm thấy nhận được đó là tình yêu. Trong khi đó, một đứa bé chỉ cảm thấy hạnh phúc khi cảm nhận được tình yêu của cha mẹ. Khoa học tâm lý cũng chứng minh một điều, đứa bé càng hạnh phúc bao nhiêu thì càng ngoan ngoãn hợp tác bấy nhiêu, đứa bé càng hư bao nhiêu thì là do nó không cảm nhận được tình yêu thương nhiều bấy nhiêu. Vậy thì đó chính là kết quả mà bạn nhận được.

Chúng ta không biết cách làm cho người khác hiểu thông điệp của mình, nên nếu người khác hiểu lầm bạn, hãy khoan vội trách họ, cũng đừng trách mình. Hãy nghĩ xem mình có thể làm gì khác để họ hiểu đúng mình hơn. Bởi vì thông điệp mà bạn gửi đi không phải là điều mà bạn nghĩ bạn đã nói, mà là điều mà họ đã hiểu. Hãy ghi nhớ điều đó.