Gần đây, một bạn thành viên CLB Vươn Tới Thành Công đã viết cho tôi:

Chào anh Khoa và chị Vy,

Lời đầu cho em gửi lời cảm ơn đến các anh chị về buổi offline hôm nay. Hôm nay em được chia sẻ với các bạn về ý nghĩa của niềm tin. Trong buổi hôm nay em có 2 điều băn khoăn nối tiếp sau những chia sẻ của các bạn.

1. Đó là chúng ta nên đặt mục tiêu cao để phải vươn tới phấn đấu, vì nếu ta không đạt được nó thì chí it cũng tiến bộ được nhiều. Em lại nghĩ thêm là, liệu muc tiêu mình đăt ra có nên thực tế không. Vì nếu không thự tế, chăc hẳn sẽ rất khó mà thưc hiện. Khi đó ta sẽ dễ nản chí.

2. Là về niềm tin của người khác với mình( gia đình, bạn bè, thầy cô,…). Như Adam Khoo, thì mọi người không ai tin tưởng, ủng hộ ông. Còn em thì ngược lại anh ạ, ai cũng tin tưởng là em sẽ đậu ĐH nguyện vọng 1 vậy mà em đã làm mọi người thất vọng( vi trong những năm cấp 3, em luôn ở trong top 4 của lớp, em đã học bằng chính sức của mình). Em đã phấn đấu từ 1 học sinh bình thường (em học rất tệ toán) ở cấp 2, trở thành học sinh giỏi ở cấp 3 sau khi em cảm thấy nhục vì sự ngu dốt của mình. Em đã rất tự tin là không có gì là không thể, em luôn cố gắng họ tốt tất cả các môn từ tự nhiên, xã hội, và cả nhưng môn phụ. Nhưng sau này em lại nghi ngờ khả năng của mình, nghi ngờ vào niềm tin không chỉ của em mà còn của mọi người.

Mong anh giúp em hiểu rõ thêm.

Cảm ơn anh.

Chào em,

Về câu hỏi thứ nhất của em, trước hết, hãy cùng hiểu định nghĩa “mục tiêu thực tế” nghĩa là thế nào? Một mục tiêu có thể thực tế với người người này nhưng lại hoàn toàn không thực tế với người khác. Ví dụ: Một người coi việc đặt mục tiêu đậu thủ khoa đại học là thực tế (vì anh ta tin vào khả năng và nhất là sự cố gắng của mình). Ngược lại, một người khác thì thậm chí cho rằng nội việc đậu đại học thôi cũng không phải là một mục tiêu thực tế (vì anh ta cảm thấy mình lười biếng và chẳng muốn cố gắng gì cả).

Cho nên, anh tạm hiểu mục tiêu thực tế mà em nói tới ở đây là thực tế đối với riêng bản thân em, và em nghĩ em sẽ đạt được đó. Vậy vấn đề không phải là em có đạt được mục tiêu hay không (vì đã thực tế thì chắc không khó khăn lắm), mà vấn đề là em có cảm thấy thật sự sung sướng, hạnh phúc và tự hào về bản thân mình khi đạt được mục tiêu đó hay không? Ví dụ: nếu em đặt mục tiêu đi bộ tập thể dục 1km, và em hoàn thành mục tiêu đó, em có cảm thấy sung sướng bằng em hoàn thành mục tiêu chạy bộ 5km hay không?

Bên cạnh đó, những mục tiêu to lớn khó khăn (anh không dùng từ “không thực tế” vì từ này làm ta cảm giác chuyện đó “không bao giờ” xảy ra) tuy không phải có thể thực hiện được trong một sớm một chiều, nhưng chắc chắn sẽ giúp em cảm thấy hạnh phúc và rất tự hào về bản thân mình. Chưa kể những người xung quanh em cũng thế.

Còn việc ta có nản chí hay không khi thực hiện những mục tiêu lớn lao phụ thuộc vào 2 yếu tố:

  • Yếu tố thứ nhất, liệu ta có biết chia nhỏ một mục tiêu to lớn thành một chuỗi liên hoàn những mục tiêu nhỏ hơn hay không. Ví dụ: em đặt ra mục tiêu đậu thủ khoa đại học, và em chia nhỏ nó ra thành việc giải được thuần thục 10 dạng bài tập mỗi tuần, và lại một lần nữa chia nhỏ ra thành giải được thuần thục 2 dạng bài tập mỗi ngày. Như vậy, trên đường đến với danh hiệu thủ khoa, em đã phải hoàn thành rất nhiều mục tiêu nhỏ và vừa. Mỗi lần hoàn thành một mục tiêu như thế, em sẽ cảm thấy phấn chấn hơn một chút, và hăng hái đi tiếp. Cho đến khi đạt được mục tiêu to lớn của mình.
  • Yếu tố thứ hai, không phải mọi chuyện lúc nào cũng xảy ra như ta mong muốn cho dù ta có chuẩn bị kĩ đến mức nào. Cho nên, có thể em CHƯA đạt được mục tiêu to lớn đề ra, nhưng khi em nhìn lại, em sẽ thấy em đã đi được một đoạn khá xa so với ban đầu. Nếu nhận được ra điều đó, em sẽ không cảm thấy nản chí vì ít ra em cũng đã làm được một số việc nhất định, đạt được một số mục tiêu nhỏ và vừa nhất định (những mục tiêu thực tế). Còn đối với mục tiêu lớn lao, ngay cả khi em CHƯA đạt được nó trong nỗ lực đầu tiên, em vẫn có thể sẽ đạt được nó bằng cách cố gắng nhiều hơn hoặc thay đổi phương pháp cho phù hợp hơn trong những lần tiếp theo.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất không phải là thời điểm em đạt được mục tiêu, mà là đoạn đường em đã can đảm đi qua để đạt được nó. Nếu em muốn cảm thấy hạnh phúc và không bao giờ nản chí, thì em cần phải biết trân trọng đoạn đường đó, trân trọng công sức và nỗ lực của chính bản thân mình. Còn mục tiêu thì chỉ là mục tiêu. Em hãy nghĩ xem, nếu có một phép màu nào đó biến em thành thủ khoa đại học mà không mất chút công sức nỗ lực nào, em có thật sự hạnh phúc hay không?

2. Là về niềm tin của người khác với mình( gia đình, bạn bè, thầy cô,…). Như Adam Khoo, thì mọi người không ai tin tưởng, ủng hộ ông. Còn em thì ngược lại anh ạ, ai cũng tin tưởng là em sẽ đậu ĐH nguyện vọng 1 vậy mà em đã làm mọi người thất vọng( vi trong những năm cấp 3, em luôn ở trong top 4 của lớp, em đã học bằng chính sức của mình). Em đã phấn đấu từ 1 học sinh bình thường (em học rất tệ toán) ở cấp 2, trở thành học sinh giỏi ở cấp 3 sau khi em cảm thấy nhục vì sự ngu dốt của mình. Em đã rất tự tin là không có gì là không thể, em luôn cố gắng họ tốt tất cả các môn từ tự nhiên, xã hội, và cả nhưng môn phụ. Nhưng sau này em lại nghi ngờ khả năng của mình, nghi ngờ vào niềm tin không chỉ của em mà còn của mọi người.

Về câu hỏi này, có lẽ câu trả lời rất đơn giản. Không ai là không gặp những điều không như ý trong cuộc sống. Như anh, như Adam Khoo, hay Bill Gates, hay cả tổng thống Mỹ,… cũng đều gặp những điều không mong muốn trong cuộc sống. Và những người càng thành công thì họ lại càng gặp nhiều những việc nhưng thế vì họ thường cố gắng làm những chuyện không tưởng. Cho nên, nếu em để một vài điều không như ý làm mất đi niềm tin vào chính bản thân mình, thì có lẽ… em sẽ phải mất đi khá nhiều niềm tin cho đến khi em không còn biết tin vào gì nữa. Và khi em đã mất đi niềm tin vào chính bản thân mình thì dĩ nhiên người xung quanh cũng không thể nào tin em nữa.

Còn chuyện thất vọng thì anh tin rằng bản thân em cũng thất vọng, người xung quanh em cũng thất vọng khi những chuyện như thế xảy ra. Nhưng điều quan trọng nhất em phải nhớ là: em và tất cả mọi người thất vọng về sự việc không vui đó, chứ không phải thất vọng về bản thân em. Hai điều này hoàn toàn khác nhau.

Ngược lại, nếu em chỉ xem những điều không như ý là bài học để mình thành công hơn, là động lực để mình quyết tâm hơn, thì em sẽ cố gắng phấn đấu hơn hoặc tìm tòi một phương pháp hiệu quả hơn, thì sớm muộn gì, mọi chuyện cũng sẽ như ý muốn.

Chúc em tự tin và can đảm đặt ra những mục tiêu lớn lao trong cuộc sống, và hành động kiên định vì những mục tiêu ấy.