Đối với đa số mọi người, đôi mắt là nơi thể hiện cách não bộ chúng ta hoạt động và ta khó mà giấu được điều đó.
Chẳng hạn như, khi bạn hỏi người đối diện xem họ đã ăn món gì, họ cần phải nhớ lại, và đi cùng với hành động đó, họ sẽ nhìn sang bên phải của chúng ta. Đối với những điều cần phải gợi nhớ, thường thì ánh mắt của người đối diện sẽ hướng về phía trên, bên phải của chúng ta.
Tiếp theo, vẫn từ phía của chúng ta, để gợi nhớ âm thanh thì một người sẽ nhìn ngang sang phải. Ngược lại, để tạo dựng một hình ảnh, người ta sẽ liếc mắt sang phía trên bên trái, và để tạo dựng âm thanh thì liếc mắt ngang sang trái. Nếu họ muốn gợi nhớ một âm thanh hoặc tự nói chuyện với chính mình, thì họ cũng sẽ nhìn sang bên phải nhưng nhìn xuống.
Chúng ta không chỉ tái lập lại thế giới bên ngoài vào bên trong mà trước khi đưa điều gì ra bên ngoài, chúng ta cũng xây dựng trước trong đầu mình một phiên bản. Như vậy người đối diện sẽ nhìn bên phải của họ để xây dựng trước phiên bản đó. Sau đó họ kết nối với cảm xúc, cảm giác bên trong mình, họ sẽ nhìn sang bên trái và nhìn xuống.
Vậy bạn sẽ làm gì với những hiểu biết này? Rất đơn giản. Khi người đối diện kể cho bạn nghe một câu chuyện, nếu họ nhìn sang bên phải của bạn nhiều (tức bên trái của họ), nhiều khả năng đó là câu chuyện thật. Nhưng nếu họ nhìn sang bên trái của bạn quá nhiều, nhiều khả năng đó là câu chuyện bị thêu dệt, vì họ phải tạo dựng rất nhiều hình ảnh và âm thanh trong đầu.
Vấn đề nằm ở chỗ, đối với mỗi người, lý thuyết này xảy ra ở mức tương đối. Với đa số mọi người thì nó sẽ đúng, nhưng với một thiểu số thì điều ngược lại mới đúng. Có nghĩa là, với một thiểu số người, để tạo dựng hình ảnh chẳng hạn, thì họ nhìn sang bên trái của mình thay vì bên phải.
Vì vậy, trước khi kết luận một người có nói thật hay không, bạn cần phải kiểm tra họ thử cách mắt của họ hoạt động bằng những câu hỏi đơn giản về cuộc đời họ, những câu hỏi mà họ chắc chắn sẽ nói thật. Nếu chưa thấy rõ, hãy thử lại nhiều lần, hãy hỏi những câu hỏi đơn giản, dễ trả lời, dễ nhớ và nằm trong khả năng họ có thể gợi nhớ được.Sau đó bạn có thể hỏi về những thứ cần được gợi nhớ xa hơn nhưng vẫn có thể nhớ được, bạn sẽ thấy rõ cách họ suy nghĩ là như thế nào.
Sau khi đã có thông tin về mối liên hệ giữa ánh mắt và cách suy nghĩ của họ, lúc nào bạn muốn xem xét sự thật, bạn nói chuyện với họ rồi hỏi một câu bất ngờ, bạn sẽ thấy được họ phải ngẫm nghĩ để tạo dựng hình ảnh hay để gợi nhớ, như vậy bạn sẽ nhìn ra được là người đó nói thật hay nói dối. Nhưng điều quan trọng là bạn phải thử trước để biết được mắt của người đối diện hoạt động như thế nào.
Ông bà ta thường nói, ai nói chuyện mà mắt láo liên là không thành thật. Điều đó rất đúng. Bằng kinh nghiệm sống mấy ngàn năm, người ta hiểu được một điều rằng, người không nói thật thì phải thêu dệt câu chuyện. Và những người thêu dệt câu chuyện bậc thầy sẽ phải vừa nhớ vừa dệt, nghĩa là họ lấy một số chi tiết có thật và sau đó thêm vào một số chi tiết, cho nên buộc lòng mắt họ phải đảo liên tục. Bởi vì nói dối 100% thì rất dễ bị phát hiện, nên người ta sẽ nói một nửa là thật, một nửa là dối. Nếu bạn gặp người nào như vậy, bạn sẽ thấy mắt họ láo liên. Bạn sẽ để ý được điều đó.