Một nữ độc giả đã hỏi tôi:
Em là 1 cô bé 17 tuổi, cũng như các bạn, sau khi đọc xong quyển sách này, em cảm thấy mình vẫn còn nhiều điều cần học hỏi. Tuy nhiên, em vẫn thấy có 1 vài khó khăn mà em nghĩ không chỉ riêng em mà cả các bạn cũng gặp tương tự là: Chương trình học ở Sing và ở VN rất khác nhau, em biết tác giả đã cố gắng rất nhiều để không chỉ học sinh,sinh viên Sing, VN và cả các bạn trên thế giới có 1 cái nhìn tổng quát nhất, để đưa ra những lời khuyên thiết thực nhất nhưng chúng em vấn cần sự giúp đỡ của anh chị rất nhiều.Vd: lịch thi học kỳ của tụi em chỉ được báo trước có 1 tuấn, tụi em chỉ có 1 tuần để chuẩn bị mà thôi. Nhưng để đảm bảo chất lượng của kỳ thi thì theo như tác giả, tụi em phải chuẩn bị ít nhất là 1 tháng. Thời gian quá ngắn như vậy thì làm sao tụi em ôn thi được ạ?( Mặc dù tui em đã cố gắng học ôn trải dài trong suốt học kỳ như trong sách đã hướng dẫn), và đễ đạt được điểm cao, tụi em không chỉ học theo” công thức đạt điểm tuyệt đối ” mà do nhiều yếu tố khách quan. VD như : thầy cô ”đè điểm” hay có thầy cô khó chịu, để đạt được điểm 10 thì kiến thức của em phải tương đương với sinh viên đại học, trong khi tụi em mới vừa học lớp 11. Chúng em phải làm sao để được điểm tối đa?
Và câu trả lời là:
Cũng như bạn và hầu hết tất cả những độc giả của sách Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!, chúng tôi cũng học tập và trưởng thành từ môi trường giáo dục Việt Nam. Chính vì thế, hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng: dù đã có nhiều cố gắng từ các bộ ngành có trách nhiệm, nền giáo dục ở nước ta vẫn còn nhiều vấn đề. Điều đó, tất cả chúng ta đều phải dũng cảm nhìn nhận để tiếp tục góp ý hoặc đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Sách Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!, chính là một phần trong nỗ lực nhỏ nhoi của chúng tôi nhằm giúp các bạn học sinh, sinh viên như các bạn. Dĩ nhiên, ở một mức độ nào đó, một quyển sách thì không thể giải quyết tất cả mọi vấn đề được. Điều này chắc bạn cũng hiểu.
Trở lại những vấn đề cụ thể mà bạn gặp phải:
Lịch thi học kỳ của tụi em chỉ được báo trước có 1 tuần, tụi em chỉ có 1 tuần để chuẩn bị mà thôi. Nhưng để đảm bảo chất lượng của kỳ thi thì theo như tác giả, tụi em phải chuẩn bị ít nhất là 1 tháng. Thời gian quá ngắn như vậy thì làm sao tụi em ôn thi được ạ? (Mặc dù tui em đã cố gắng học ôn trải dài trong suốt học kỳ như trong sách đã hướng dẫn)
Mặc dù lịch thi học kì chỉ được đưa ra chính xác trước ngày thi một tuần, nhưng ngay từ đầu nhập học chắc chắn bạn đã có thể biết được kì thi học kì sẽ rơi vào khoảng thời gian nào (dù không biết ngày thi chính xác từng môn). Do vậy, trước đó một tháng hoặc thậm chí một tháng rưỡi, bạn đã có thể bắt đầu học ôn lại những kiến thức cũ để chuẩn bị cho kì thi. Nếu bạn chuẩn bị đúng mức, thì ngay khi biết lịch thi bạn đã gần như ôn bài xong rồi.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chủ động lựa chọn học ôn những môn cần kĩ năng nhiều hơn là phải ghi nhớ như Toán, Lý, Hóa, ngoại ngữ,… trong suốt thời gian học dài trước. Và như thế, ở một tuần cuối cùng, bạn có thể hoàn toàn tập trung vào những môn cần thuộc lòng như là Sử, Địa Lý,… Với cách chia này, bạn sẽ ít bị động hơn nếu thời gian ôn thi quá ngắn. Từ gợi ý đó, bạn hoàn toàn có thể sáng tạo ra một phương pháp học thi sao cho phù hợp với bạn và hoàn cảnh nhất.
Về việc thầy cô “đè điểm”, chúng tôi cũng từng là học sinh và cũng từng “có cảm tưởng” như thế mỗi lần bị điểm kém. Nhưng xét cho cùng, đa số các bậc thầy cô đều là những người đáng tôn trọng và có trách nhiệm. Việc “đè điểm” học sinh chỉ gây ra những tác động xấu trong mối quan hệ thầy trò, và cũng ảnh hưởng đến uy tín của chính thầy cô (người ta sẽ đặt dấu hỏi về chất lượng dạy học khi một thầy cô nào đó có học trò toàn điểm kém). Cho nên, có chăng đi nữa, là sự khác biệt ở từng thầy cô. Có những thầy cô dễ tính thì sẽ dễ cho bạn điểm cao. Ngược lại, những thầy cô đòi hỏi cao hơn thì sẽ ít cho điểm cao hơn.
Cuối cùng, một bí quyết tuyệt vời để luôn đạt điểm tối đa (hoặc chí ít cũng phát huy tối đa khả năng học tập của bạn) chính là:
Hãy dũng cảm đối diện với thực tế và chiến đấu đến cùng thay vì nhanh chóng đầu hàng trước những lý do “khách quan”. Một khi bạn đã cố gắng hết sức và đã phát huy hết khả năng tư duy của mình. Cho dù, bạn không đạt được điểm tối đa trong học bạ, thì bạn vẫn đã ghi được một điểm tối đa vào cuộc sống và kiến thức của chính bạn. Những điểm tối đa trong cuộc sống và kiến thức mới chính là những điểm tối đa có thể mang đến thành công thật sự cho bạn.
Chúc bạn sẽ luôn vững vàng và thành công!
Diễn giả Trần Đăng Khoa