Làm sao để ngày càng khách quan hơn?

Phần lớn con người sinh ra đã là những “sinh vật” chủ quan, thiên về cảm tính. Chúng ta gần như không thể khách quan được, bởi vì chúng ta là con người và bị ảnh hưởng bởi bản chất chủ quan của mình. 

Tính chủ quan của một người được quyết định từ nhận thức của họ thông qua các giác quan như mắt và mũi, v.v. Chẳng hạn, khi một người đi ngang qua bạn, bạn ngửi được mùi nước hoa của họ, có thể bạn cảm thấy mùi đó là thơm, nhưng người khác có thể lại cảm thấy đó là một mùi khó chịu. Dù cảm nhận của bạn là gì, có một điều chắc chắn là, không phải cứ vì đó là nước hoa thì tất cả mọi người đều cảm thấy nó thơm. Một ví dụ khác là sầu riêng. Sầu riêng thường bị người nước ngoài đánh giá là “khó ngửi”, nhưng ở Việt Nam, đặc biệt là miền Nam, sầu riêng là một đặc sản cực kỳ được yêu thích và mùi sầu riêng cũng không bị “chống đối” quá nhiều. 

Thật ra, mùi sầu riêng hay nước hoa thì cũng chỉ đơn giản là một loại mùi, nhưng chúng ta đã gán đánh giá chủ quan của mình lên nó. Chúng ta đều chủ quan, nhưng sự chủ quan-khách quan này không phải tự sinh ra mà đã dần hình thành qua trí tuệ. Người có trí tuệ sẽ dần dần tiến tới sự khách quan, và người không có trí tuệ sẽ bị nhốt trong “chiếc lồng” chủ quan của mình. Sự chủ quan là nhà tù của chính bản thân chúng ta để chúng ta nhìn thế giới theo cách riêng của mình.

23035 1

Vì sao chúng ta không thể trở nên khách quan hoàn toàn? Bởi vì, về cơ bản, chúng ta bị giới hạn trọng cơ thể của mình, bởi 5 giác quan của mình và bởi số lượng thông tin mình biết. Khi không nắm đủ thông tin và góc nhìn khác nhau của sự vật, sự việc, cái nhìn của chúng ta là chủ quan. Nhưng sự khách quan là chân lý mà ta cần hướng tới. Đó là mục tiêu quan trọng. Chân lý đó, chúng ta sẽ không bao giờ chạm được, nhưng phải cố gắng tới được càng gần càng tốt. Vậy làm sao để biết được người nào là chủ quan và người nào đang hướng tới sự khách quan?

Để phân biệt người chủ quan và khách quan trong xã hội, có một mẹo đơn giản. Người nào càng nghi ngờ sự khách quan của họ thì càng khách quan, người nào càng tin rằng mình khách quan thì càng chủ quan. Vì vậy, bạn cứ đứng trong xã hội mà quan sát, người nào luôn tin rằng họ đúng mọi điều, nghĩ góc nhìn của mình chuẩn ở mọi vấn đề, vấn đề gì mình cũng đúng, cái gì của mình cũng tốt đẹp, cũng hay, mình thấy nó thơm thì nó thơm, thấy nó thối thì nó thối, thấy nó đúng thì nó đúng, thấy nó sai thì nó sai, thì họ là những người có mức độ chủ quan cao.

Trái lại, những người luôn nghi ngờ mọi thứ (theo hướng tích cực) thì sẽ là người khách quan. Ví dụ, khi mọi người khen con của bạn dễ thương, xinh xắn, có thể bạn sẽ thắc mắc rằng không biết họ khen vì thấy con mình xinh thật, hay vì họ quý cha mẹ nên cũng thấy đứa con xinh hơn? Bởi vì họ có thể thấy được hình ảnh của cha mẹ ở đứa trẻ. Cũng có thể họ đang tỏ ra lịch sự vì là đồng nghiệp hay cấp dưới của bạn chẳng hạn. 

23035 3

Khi được nhận xét là giỏi, sâu sắc hay thông minh, một người đang hướng tới sự khách quan sẽ nghi ngờ rằng liệu họ có sâu sắc thật không, hay đang giả vờ sâu sắc. Họ có thật sự giỏi không, hay chỉ đang ở một mức độ nào đó và tự bằng lòng với chính mình. Khi bạn nghi ngờ một cách tích cực càng nhiều bao nhiêu, đặc biệt là nghi ngờ vào bên trong, nghi ngờ những khía cạnh liên quan tới mình, bạn đang hướng tới việc trở thành người khách quan hơn. Người chủ quan thì có khuynh hướng nghi ngờ người khác và tin chính mình, nhưng người khách quan sẽ có khuynh hướng nghi ngờ những thứ liên quan đến mình, nhưng cũng không tin người khác lắm, bởi vì họ khách quan.

Điều quan trọng của vấn đề ở chỗ, đối với người khách quan, mọi thứ đều có thể nghi ngờ được. Bên cạnh đó, nghi ngờ chính mình không đồng nghĩa với thiếu tự tin. Nghi ngờ kiến thức, hiểu biết của bản thân không phải là thiếu tự tin, mà nghi ngờ để trở nên giỏi hơn, để biết mình chưa biết và chưa hiểu. Đó phải là nghi ngờ với mục đích tích cực, và không phải là sự thiếu tự tin. Và một lần nữa, một người cố gắng trở thành người khách quan, nhưng người khách quan không có nghĩa là khách quan 100%.

Chia sẻ lên: