Khi hai người tranh cãi quyết liệt với nhau, thường thì chúng ta luôn cãi theo góc nhìn của người thứ nhất, tức góc nhìn của chính mình.
Khi hai bên bất đồng quan điểm với nhau, tức là có một điều gì đó chưa đúng. Cùng một sự vật, sự việc đó nhưng cả hai bị bất đồng quan điểm là bởi vì điều mà cả hai hình dung trong đầu là khác nhau, có khi là ngược nhau.
Đa số mọi người không biết những sự thật về tâm lý này. Họ chỉ đơn giản là cãi để được việc. Và một cuộc cãi nhau cũng giống như một cuộc chiến tranh, không có kẻ thắng, mà chỉ có hai người cùng thua, và trong hai người cùng thua đó thì ai là người cảm thấy đau đớn hơn. Chỉ có như vậy.
Nếu cãi nhau với những người không quan trọng, chúng ta thường cứ cãi thoải mái, sau đó cắt đứt mối quan hệ, vì chúng ta cho rằng ta được quyền làm như vậy và càng không có nghĩa vụ phải hòa giải với người đó, chỉ cần từ nay không đụng chạm đến nhau là được. Tuy nhiên, vấn đề là trong cuộc đời, chúng ta thường hay cãi nhau với những người quan trọng với mình.
Vậy thay vì cứ việc cắt đứt mối quan hệ một cách không cần thiết, chúng ta nên làm điều này càng sớm càng tốt trong cuộc cãi vã. Đừng để cảm xúc tiêu cực dấy lên quá nhiều khi tranh luận. Hãy đề nghị đối phương cùng chơi một trò chơi thay vì cứ mãi tranh luận, đó là cách để bạn tránh việc đồng điệu với cảm xúc tiêu cực của họ và chuyển sang dẫn dắt.
Bạn sẽ dẫn dắt bằng cách chuyển sang trạng thái bình tĩnh, nhẹ nhàng, tích cực. Trong trường hợp này, chúng ta không nên đồng điệu với đối phương vì họ đang mang cảm xúc tiêu cực trong người. Thay vào đó, bạn phải kéo ngược họ đồng điệu về phía mình. Khi cần làm việc với nhau, chúng ta vốn cần phải đồng điệu với nhau nhưng đó chỉ là khi đối phương đang mang những cảm xúc tích cực. Khi đối phương mang cảm xúc tiêu cực, ta cần phải dẫn dắt họ.
Ta dẫn dắt vì không muốn đồng điệu với năng lượng tiêu cực của người kia mà muốn họ đồng điệu với năng lượng tích cực của mình trước. Vì vậy, thay vì lớn tiếng thì chúng ta nói nhẹ nhàng, thử bảo họ chơi một trò chơi vì cãi nhau mãi cũng chẳng giải quyết được việc gì, người kia sẽ bắt đầu “nguội” bớt. Với những mối quan hệ thân thiết quan trọng với chúng ta, nền tảng của mối quan hệ này vốn là những mối quan hệ tốt nên đối phương sẽ nhanh chóng đồng điệu ngược lại với sự tích cực của bạn.
Khi đối phương đã “mềm xuống”, cả hai sẽ chơi trò chơi mà bạn đề xuất bằng cách…tiếp tục tranh luận vấn đề cũ. Tuy nhiên, cả hai sẽ hoán đổi vai trò của nhau, bạn bảo vệ quan điểm của họ và họ bảo vệ quan điểm của bạn. Bạn sẽ làm gương và làm trước, bắt đầu thuyết phục người kia nghe theo mình, tức nghe theo đúng cái lý lẽ ban đầu của họ.
Trò chơi này mang lại 2 lợi ích. Đây chính là cấp độ nâng cao của đồng điệu. Thứ nhất, khi cãi nhau thì chúng ta mất đồng điệu. Khi chúng ta vào vai người còn lại, chúng ta sẽ vô tình đồng điệu được với họ. Đồng điệu ở đây không chỉ đơn giản là về ngôn ngữ cơ thể, mà chính là về cách tư duy và giá trị sống.
Thứ hai, đây cũng là cơ hội để bạn tự nhìn lại một góc nhìn khác của người đối diện, để hiểu được vì sao họ lại suy nghĩ như vậy. Biết đâu điều mà bạn cảm thấy không có lý khi nghe từ miệng họ, giờ bạn lại cảm thấy có lý khi chính mình nói ra thì sao?
Thứ ba, con người ta thường không tự phát hiện ra điều vô lý mà mình nói ra, nhưng khi nghe được câu mà mình đã nói phát ra từ miệng người khác thì mới nhận ra sự vô lý đó.
Vậy là sau khi ta làm gương, đến lượt của người kia thì họ cũng làm giống như vậy. Có thể họ sẽ không làm đúng toàn bộ nhưng chỉ cần họ cố gắng làm theo bạn, tự dưng cuộc tranh cãi của cả hai cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn, vì góc nhìn của họ giờ đã khác hơn rất nhiều. Dù đối phương không thay đổi góc nhìn được 180 độ nhưng họ cũng sẽ thay đổi một ít, và bạn cũng vậy, còn hơn việc cả hai cứ khăng khăng giữ lấy suy nghĩ của mình. Khi đó, chúng ta sẽ dễ đồng điệu, thông cảm với nhau hơn vì tìm ra được một điểm chung nào đó.