[Doanh Nhân Cuối Tuần] Hãy sống như ước vọng để thấy đời mênh mông…

 

Doanh nhân Trần Đăng Khoa hiện là Chủ tịch HĐQT và Giám đốc Điều hành TGM CORP với hai mảng kinh doanh chính là xuất bản những đầu sách chất lượng cao (TGM Books) và đào tạo kỹ năng và tư duy thành công cho người trưởng thành cũng như doanh nghiệp (TGM Next). Khóa học “Tôi tài giỏi! Bạn cũng thế!” lần đầu tiên được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh vào tháng 6-2009 đã trở thành một “hiện tượng” về giáo dục và đào tạo về kỹ năng sống cho thanh thiếu niên. Tiếp nối chương trình này là khóa học “Sống và Khát vọng” đang dần trở thành một “hiện tượng mới” đào tạo về kỹ năng thành công cho người Việt. Người đang thực hiện các khóa học này một cách cần mẫn là doanh nhân mới ngoài 30 tuổi Trần Đăng Khoa – người quyết định rời bỏ công việc thu nhập cao tại Tập đoàn British Telecom (Singapore) để quay về Việt Nam vì “ước mơ một triệu người Việt hạnh phúc và thành công hơn”. Câu chuyện chúng tôi bắt đầu từ chuyện “làm sao để hạnh phúc”, một đề tài anh hay nhắc đến trong những buổi huấn luyện của mình. Anh cho biết:

khoaTôi không phải chuyên gia về “hạnh phúc học” hay gì cả, tôi chỉ đơn giản rất muốn chia sẻ về cách mình đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc là điều có thật, đó là cảm xúc tồn tại bên trong con người nên chúng ta có quyền lựa chọn hạnh phúc hay là không. Nhiều người nghĩ mình cảm thấy hạnh phúc khi tìm được công việc tốt, mua được chiếc xe đắt tiền, có được căn nhà lớn, tìm được người yêu tuyệt vời… Nhưng đó chỉ là “hạnh phúc tức thời”. Dù chúng ta cố gắng đến mức nào đi nữa, hạnh phúc tức thời cũng nhanh chóng qua đi.

Theo tôi, có một cách đơn giản hơn để tạo ra hạnh phúc: trân trọng những gì mình đang có cũng như chấp nhận và yêu quý bản thân. Nhiều người không biết rằng nếu mỗi ngày có đủ ba bữa ăn hoặc mỗi tối được ngả lưng trên chiếc giường êm ấm thì họ đã hạnh phúc hơn 3 tỉ người khác trên thế giới này. Cuộc sống và hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản như thế, nhưng chúng ta dường như lại đi tìm những lý do khiến mình không vui. Vậy tại sao chúng ta không làm điều ngược lại, chọn vui vẻ và hạnh phúc bằng cách sống hết mình để không bao giờ phải hối tiếc?

PV: Nhưng khi an phận với cuộc sống hiện tại, e rằng chúng ta sẽ không còn muốn phấn đấu vươn lên?

Ý tôi là “trân trọng những gì mình đang có”, hoàn toàn khác với “bằng lòng với những gì mình đang có mà quên vươn lên”. Thế giới luôn phát triển, nếu không ngừng vươn lên thì chắc chắn chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau. Tại một thời điểm nào đó, chúng ta cảm thấy bằng lòng với cuộc sống hiện tại, đó là hạnh phúc. Nhưng chúng ta cũng cần nghĩ đến một “hợp đồng bảo hiểm” cho hạnh phúc bằng cách tranh thủ chuyển hạnh phúc thành năng lượng để học tập và không ngừng vươn lên, vì cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.

PV: Anh từng rơi vào hoàn cảnh “quên hợp đồng bảo hiểm” cho hạnh phúc chưa?

Có chứ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Singapore (NUS), tôi tìm được một công việc ổn định với mức lương khá cao. Thế là ngoài giờ làm việc, tôi không học tập gì thêm mà tiêu tốn nhiều thời gian vào game online. Sau đó, tôi mất việc, công ty nợ tôi ba tháng tiền lương. Tôi sống trong cảnh túng thiếu cùng cực, trong khi bạn tôi nhờ tập trung phấn đấu và tìm được công việc ở những tập đoàn hàng đầu, ở những vị trí tốt với mức lương hấp dẫn.

PV: Sau mười năm sống ở Singapore, anh đã có công việc và mức lương nhiều người mơ ước tại Tập đoàn British Telecom. Vì sao anh quyết tâm trở về Việt Nam vào năm 2007?

Có một câu chuyện xảy ra cách đây nhiều năm nhưng tôi nhớ mãi. Tôi hỏi một sinh viên bản xứ: “Nếu như tất cả người Singapore đều trở thành ông chủ, bà chủ thì ai là người làm thuê?”. Cậu ấy trả lời: “Người Việt chứ ai”. Đó chỉ là câu nói đùa, nhưng nó khiến tôi băn khoăn: “Tại sao mình cứ cố gắng làm thuê ở đất nước Singapore, trong khi đất nước đang cần mình hơn?”.

Cũng trong thời gian đó, tôi gặp ông Võ Tá Hân, thành viên HĐQT Tập đoàn Bất động sản CDL đồng thời là Chủ tịch Hội chuyên gia Việt Nam tại Singapore (VN 2020), một người thầy tôi vô cùng kính trọng. Hội VN 2020 chuyên hỗ trợ kiến thức, kỹ năng và phát triển các mối quan hệ, nhằm giúp người trẻ Việt Nam tại Singapore phát triển sự nghiệp của mình. Ngoài ra, hội còn tìm hơn một triệu đầu sách khoa học, kỹ thuật hay để chuyển về quê hương Việt Nam. Những quyển sách này đã được chính phủ và nhiều trường đại học ở Việt Nam đón nhận nồng nhiệt trong thời gian qua.

PV: Ông Võ Tá Hân đã ảnh hưởng đến quyết định trở về nước của anh như thế nào?

Với tư cách một người thầy và một người bạn lớn, ông đã chỉ cho tôi con đường của một doanh nhân đúng nghĩa, đó là làm giàu chân chính và mở lòng giúp đỡ người khác làm giàu, từ đó mới giúp đất nước mình giàu mạnh hơn. Từ đó, tôi không còn khát vọng duy nhất là làm giàu mà còn có khát vọng mang những tư duy tiên tiến của thế giới về Việt Nam, góp phần giúp người Việt hạnh phúc, thành đạt và giàu có hơn. Tôi tin rằng, người dân trong nước phải hạnh phúc, thành đạt và giàu có thì mới mong đất nước đó phát triển, thịnh vượng và hùng cường.

Con đường của một doanh nhân đúng nghĩa, đó là làm giàu chân chính và mở lòng giúp đỡ người khác làm giàu, từ đó mới giúp đất nước mình giàu mạnh hơn.

PV: Hẳn anh đã không dễ dàng mua bản quyền cuốn sách “Tôi tài giỏi, Bạn cũng thế!”

Đúng vậy. Trước đó, có hai, ba người của tôi đề nghị mua bản quyền cuốn sách nhưng Adam Khoo từ chối. Tôi và dịch giả Uông Xuân Vy đã có một bước đi khá táo bạo, đó là bắt tay vào dịch sách trước khi đề nghị mua bản quyền nhằm chứng tỏ khả năng dịch của chúng tôi. Tôi còn nhớ bản dịch cuối cùng của cuốn “Tôi tài giỏi, Bạn cũng thế!” là kết quả của sáu bản dịch nháp và hơn nửa năm lao động miệt mài của tôi và dịch giả Uông Xuân Vy. Có lẽ nhờ quyết tâm đó mà cuối cùng chúng tôi cũng thuyết phục được Adam.

Mua bản quyền đã khó, đưa sách đến tay người đọc còn gian nan hơn. Trong khi tôi đang ở Singapore, em tôi là Trần Đăng Triều in đến 5.000 cuốn sách trong đợt xuất bản đầu tiên. Triều một mình đến gõ cửa từng nhà sách nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu lạnh nhạt. Triều thuê 3m2 tại một siêu thị đông khách, đội nắng đội mưa bán sách với chiếc loa di động nhưng vẫn không ăn thua. Ngay cả khi đã lập hẳn một trang web bán sách trên mạng và thiết kế tờ rơi rất đẹp nhưng suốt bốn tháng trời, chúng tôi chỉ bán được vài trăm cuốn. Có thể nói chúng tôi đã trải qua những ngày vô cùng đen tối. Mẹ tôi nhìn “kho sách ế” thì căng thẳng đến đổ bệnh. Ở Singapore, tôi và Uông Xuân Vy cố gắng “cày” để trả khoản nợ 200 triệu đồng, một số tiền lớn với chúng tôi thời đó.

Như ánh sáng cuối đường hầm, nhà sách Fahasa Xuân Thu (Tp. Hồ Chí Minh) đồng ý mua 1.000 quyển “Tôi tài giỏi, Bạn cũng thế!” để phát hành thử. Một tháng sau, Fahasa đặt mua thêm 2.000 cuốn. Đến nay, “Tôi tài giỏi, Bạn cũng thế!” là một trong những cuốn sách bán chạy nhất của Fahasa, tái bản hơn 17 lần, phát hành hàng trăm ngàn bản, bao gồm cả sách in và sách điện tử. Năm 2010, chúng tôi tiến hành trao tặng miễn phí bản điện tử của cuốn sách này cho những bạn trẻ không có điều kiện mua sách. TGM Books ra đời cũng vì chúng tôi hiểu rõ những vất vả của việc xuất bản sách. Chính vì vậy, hiện nay chúng tôi rất sẵn lòng giúp đỡ các dịch giả hay tác giả để con đường đưa sách đến với độc giả trở nên dễ dàng hơn.

PV: Được biết anh đã chuyển nhượng khóa học “Tôi tài giỏi, Bạn cũng thế!” lại cho một đơn vị khác quản lý từ tháng 3-2014, anh có thể cho biết lý do anh đi đến quyết định này?

Khi đưa khóa học “Tôi tài giỏi, Bạn cũng thế!” về Việt Nam, tôi đặt ra mục tiêu sẽ cải tiến nội dung của khóa học sao cho phù hợp nhất với người Việt. Sau hơn bốn năm, tôi cùng các đồng sự đã làm được điều đó. Tuy nhiên, do những ràng buộc về vấn đề quản lý, tôi không có đủ không gian để sáng tạo. Trong khi đó, mơ ước của tôi là tạo nên một khóa học thật sự đẳng cấp kết hợp kiến thức của thế giới với tinh hoa của dân tộc Việt. Chính vì vậy, tôi quyết định chuyển nhượng khóa học để tập trung thời gian nỗ lực tạo nên một khóa học mang linh hồn Việt có tên là Sống và Khát vọng. Tuy nhiên, TGM Books (thành viên của TGM CORP) vẫn là đơn vị giữ bản quyền xuất bản quyển sách “Tôi tài giỏi, Bạn cũng thế!”.

TGM Books ra đời cũng vì chúng tôi hiểu rõ những vất vả của việc xuất bản sách. Chính vì vậy, hiện nay chúng tôi rất sẵn lòng giúp đỡ các dịch giả hay tác giả để con đường đưa sách đến với độc giả trở nên dễ dàng hơn.

PV: Không chỉ dịch và đưa sách hay về Việt Nam, anh còn quyết tâm xây dựng một khóa học dựa trên những kiến thức của thế giới nhưng mang linh hồn của người Việt. Hẳn đây là một khóa học không thể thiếu dành cho mọi người?

Đây là một khóa học rất cần thiết cho người Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, nhằm đào tạo một cách toàn diện nền tảng kiến thức, kỹ năng và động lực thành công. Khi đã có nền tảng vững chắc, việc bồi dưỡng tri thức và rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sẽ có hiệu quả cao nhất và hữu ích nhất cho bản thân người học. Ngoài khóa học Sống và Khát vọng, TGM Next còn tổ chức thành công hơn 450 sự kiện, chương trình và khóa học cho hơn 120.000 học viên và hàng chục doanh nghiệp, trong đó có thể kể đến: Chương trình Kỹ năng thế kỷ 21, Tạo đột phá trong Sự nghiệp và Cuộc sống, Sinh viên – Bứt phá để dẫn đầu, Hạnh phúc và Thành công,… được rất nhiều người đón nhận.

PV: Có thể thấy rằng các khóa học của TGM Next khá nổi bật và được nhiều người công nhận. Còn mảng phát hành sách của TGM Books hình như hoạt động không hiệu quả. Trong sáu năm qua TGM Books chỉ xuất bản khoảng 30 đầu sách?

TGM không phải là công ty xuất bản có nhiều đầu sách, vì chúng tôi không chạy theo số lượng mà tập trung làm sao cho mỗi quyển sách được xuất bản đều thật sự đáng đọc từ nội dung đến hình thức. Là người yêu sách, tôi biết rằng người đọc không bao giờ tiếc tiền mua một quyển sách giá trị mà chỉ tiếc thời gian nếu đọc phải một quyển sách kém chất lượng. Chính vì thế, thông qua hai thương hiệu sách TGM Books Viva Books, chúng tôi dồn tất cả tâm huyết vào một điều duy nhất là làm thật tốt từng quyển sách. Hiện chúng tôi đã có hơn 1 triệu độc giả yêu quý thường xuyên gửi phản hồi tích cực sau khi đọc sách, và hầu hết sách của TGM Books đều lọt vào top 100 đầu sách bán chạy trong năm đầu xuất bản. Kết quả đó cũng đủ làm hài lòng những người tâm huyết như chúng tôi.

PV: Còn ước mơ “vì một triệu người hạnh phúc và thành công” mà anh thường nhắc đến trong những năm gần đây thì sao?

Đó không chỉ là ước mơ mà là mục tiêu của TGM CORP sau 10 năm hoạt động, đó là giúp cho khoảng một triệu người Việt hạnh phúc và thành công hơn thông qua những khóa đào tạo của TGM Next và các đầu sách của TGM Books. Để hoàn thành mục tiêu trên, một mình tôi sẽ không thực hiện nổi. Nhưng một tập thể lớn có cùng khát vọng như TGM CORP thì hoàn toàn có thể. Nhiều độc giả của TGM Books đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống sau những sai lầm, vấp ngã, biết quý trọng gia đình và biết ơn cha mẹ. Không ít học viên của TGM Next đã trở nên mạnh mẽ hơn, vượt qua số phận, vượt lên hoàn cảnh nghèo khó. Họ là những sự động viên mạnh mẽ cho chúng tôi nỗ lực đạt được mục tiêu trên. Chúng tôi đặt ra mục tiêu này để tự tạo động lực cho mình. Vậy nên nếu không thể đạt con số một triệu người vào năm 2020, chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vì trên con đường mình đi, TGM đã thực sự góp phần giúp hàng trăm ngàn người Việt Nam hạnh phúc và thành công hơn.

Vậy nên nếu không thể đạt con số một triệu người vào năm 2020, chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vì trên con đường mình đi, TGM đã thực sự góp phần giúp hàng trăm ngàn người Việt Nam hạnh phúc và thành công hơn.

PV: Trong một cuốn sách mới xuất bản gần đây, anh có chia sẻ rằng anh từng có giấy báo tử do Bệnh viện Nhi Đồng gửi về, câu chuyện là như thế nào?

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo, lại mắc bệnh viêm màng não cấp tính do dùng phải phấn rôm giả. Mẹ tôi đã ôm con trai đang thoi thóp chờ chết đi khắp Bệnh viện Nhi Đồng với hy vọng con được cứu chữa nhưng các bác sĩ đều bảo rằng tôi không có cơ hội nào sống sót, nếu qua được thì cũng bị di chứng thần kinh. Nhưng mẹ tôi không bỏ cuộc. Bà van lạy bác sĩ cho tôi được nhập viện và chăm sóc tôi từng ly từng tí, cho tôi bú đủ và dỗ dành tôi ngủ. Sau đó, mẹ nhận được giấy báo tử có tên tôi do Bệnh viện Nhi Đồng gửi về tận nhà. Nếu không có mẹ, tôi đã không còn được sống đến hôm nay.

PV: Anh thường nhắc đến mẹ trong những buổi trò chuyện lẫn các khóa huấn luyện. Hẳn bà có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của anh?

Tôi rất may mắn có một người mẹ tuyệt vời, chịu thương chịu khó và biết ươm mầm tương lai cho con. Ngày tôi còn bé, mẹ luôn nói với tôi rằng: “Tên con giống với tên nhà thơ Trần Đăng Khoa (người tôi rất ngưỡng mộ thời đó). Sau này lớn lên, con chắc chắn sẽ làm nên nghiệp lớn”. Với tôi, những lời động viên của mẹ chính là hạt giống niềm tin để tôi sống xứng đáng hơn.

Tôi còn nhớ, ngay cả khi bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng giấy báo tử cho tôi, mẹ vẫn không bỏ cuộc. Nhưng cuộc sống gia đình tôi sau đó gặp nhiều khó khăn do ba tôi hay uống rượu và có những mối quan hệ bên ngoài. Có lúc mẹ tuyệt vọng đến nỗi trong đêm tối, bà bồng tôi lên tầng thượng của khu chung cư nghèo với ý định nhảy lầu tự tử. Bà đã ngồi đó đến lúc bình minh và tôi thức giấc cựa quậy trong vòng tay bà, khi đó mẹ tôi quyết định tiếp tục sống để nuôi tôi khôn lớn thành người.

Vì nhà nghèo nên tôi thường đi học với bộ quần áo lấm lem, chiếc cặp hỏng quai và hỏng khóa. Cây viết máy mẹ tôi dành dụm tiền rất lâu mới mua được cũng bị rơi mất vì cặp tôi bị thủng. Hiếm hoi lắm tôi mới được ăn tô phở “đặc biệt”: nhiều nước, ít bánh phở và không thịt. Nhà nghèo, không có nổi chiếc xe đạp, mẹ nhờ bác tôi chở đi quanh các tiệm sách cũ để mua thật nhiều sách cho tôi. Thương mẹ, tôi cố gắng nuốt hết kiến thức trong những quyển sách cũ giấy đen nhẻm mẹ mua về. Năm lớp 8, tôi được phân công làm thủ quỹ. Nhưng do ham chơi, tôi “nướng” hết tiền quỹ vào bài bạc, trò chơi bi-da và game máy tính. Đến hạn nộp tiền cho trường, tôi sợ hãi chạy về tìm mẹ cầu cứu, cứ tưởng sẽ bị đánh một trận nên thân. Không ngờ mẹ chỉ lẳng lặng sang vay tiền bà ngoại rồi cùng tôi mang tiền vào trường để trả và xin lỗi thầy giáo. Hành động của mẹ khiến tôi cảm thấy vô cùng đau đớn và hối hận. Ngay lập tức, tôi cắt đứt hoàn toàn với lũ bạn xấu để làm lại từ đầu… Đó chỉ là những việc mẹ làm cho tôi nhưng suốt cả đời, tôi không thể nào quên được.

Có lẽ mẹ cũng là người dạy cho tôi “tiếng nói quê hương” nên dù sống ở một quốc gia hiện đại như Singapore, tôi vẫn nhớ mãi cảm giác quê hương. Chỉ khi đi xa, con người ta mới hiểu và thấm thía hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Tâm hồn ấy của đất mang dáng dấp tâm hồn của những người yêu thương rất gần gũi, thân thương và rất “sống” chứ không chỉ là một khái niệm trừu tượng xa vời. Và đó là lý do tại sao tôi yêu đất nước này đến thế.

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị này.

———–

Để cập nhật tin tức mới nhất về EVOL GROUP và theo dõi những chia sẻ đầy tâm huyết của Thầy Trần Đăng Khoa, bạn có thể theo dõi Facebook cá nhân của Thầy tại đây.

Chia sẻ lên: