Theo bạn thì làm thế nào để thay đổi một người mà bạn cho là xấu?

Trước khi muốn thay đổi một người mà bạn cho là xấu, trước hết, hãy định nghĩa xem như thế nào là người xấu. Chắc hẳn ai trong cuộc đời cũng đều từng làm điều xấu. Ngay cả bạn, bạn có dám chắc là mình chưa từng làm điều gì xấu trong cuộc đời không? Nhưng ngay cả khi đã từng làm, liệu bạn có phải là người xấu không?

Chỉ dựa vào sự thật là một người đã từng làm điều xấu thì không đủ để quyết định xem họ là người tốt hay xấu. Tất cả chúng ta đều từng làm việc sai, việc xấu, nhưng chúng ta không phải là hành vi của mình. Trong cuộc đời, ta không thể khẳng định tuyệt đối là có người tốt hay người xấu, mà chỉ có thể nói ai là người tốt hơn và ai là người xấu hơn. Định nghĩa một cách tương đối, người tốt đơn giản là làm nhiều việc tốt hơn, mang lại nhiều giá trị hơn, tạo ra nhiều kết quả hơn. Còn người xấu thì làm nhiều việc xấu hơn, gây thảm họa nhiều hơn, gây mất giá trị, mất mát nhiều hơn. Còn để kết luận chắc nịch rằng một người là tốt hay xấu, đúng hay sai thì rất khó nói.

Ví dụ như các vị vua, cha ông của chúng ta ngày xưa mở mang bờ cõi, làm cho Việt Nam chỉ từ một diện tích nhỏ ở miền Bắc ngày nay, được trải dài xuống tận miền Nam. Với con cháu người Việt sau này, họ là những vị anh hùng có công lao mở mang bờ cõi. Tuy nhiên, với dân chúng ở những nước phía nam bị chiếm giữ thì cha ông ta chắc chắn là người xấu, là kẻ thù. Cho nên, tốt xấu trong cuộc đời này rất khó để phân định.

Một người có thể vừa có hành vi tốt vừa có hành vi xấu, nhưng con người không phải là hành vi của họ. Vậy thì, cách để bạn thay đổi một người là, trước hết bạn phải hiểu được rằng bạn nên chấp nhận con người đó và chỉ cần thay đổi hành vi của họ. Con người có những hành vi có thể không tốt, nhưng bạn phải chấp nhận rằng, họ là một con người và con người thì có mặt tốt và mặt xấu. Chỉ khi bạn chấp nhận điều đó thì bạn mới có thể giúp họ thay đổi hành vi.

Điều này cũng đúng khi bạn muốn thay đổi hành vi của một đứa trẻ. Nếu có trẻ em trong nhà, hẳn chúng ta đã từng chứng kiến cảnh người lớn hoặc chính mình quát mắng trẻ con không được nghịch ngợm, đùa giỡn. Tuy nhiên, khi bị cha mẹ quát mắng như vậy, thật ra đứa bé sẽ cảm thấy rằng nó không được chấp nhận về mặt con người. Có người nghĩ rằng trẻ con còn nhỏ thì không có nhận thức sâu sắc đến mức đó. Thật ra, đó lại là một sai lầm nữa của người lớn: cho rằng con mình ngốc nghếch. Thật ra điều đó không đúng. Con trẻ chỉ chưa biết cách thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của mình, đó là điều cần một quá trình dài mà thậm chí nhiều người lớn cũng còn chưa làm được.

Một đặc tính của trẻ con là không làm chủ cảm xúc tốt như người lớn. Trẻ con cần thời gian và một quá trình để rèn luyện trí thông minh cảm xúc, người lớn cũng vậy. Có những người lớn hành xử rất giống trẻ con. Họ dễ “hờn dỗi” khi chuyện không như ý mình. Nhưng người lớn khác trẻ con ở chỗ họ có khả năng tự nhận thức cao hơn, họ nhận ra sự trẻ con của mình trong khi trẻ con thì không như thế. Nếu như bản chất của trẻ con là mưa nắng thất thường, không làm chủ cảm xúc của mình tốt như người lớn, vậy thì chúng ta không nên đòi hỏi bé phải làm chủ cảm xúc tốt như chúng ta.

Thường khi một đứa trẻ khóc vì một vấn đề nào đó, chúng ta muốn ngăn chặn hành vi đó bằng cách mắng con để con ngừng khóc. Nhưng khi như vậy, đứa bé sẽ bị tổn thương và phải kiềm chế cảm xúc. Tất cả những tổn thương đó không được xả ra ngoài sẽ nằm lại bên trong. Nếu con đau và tổn thương thật thì chúng ta buộc lòng phải dỗ. Nếu không có gì quá nghiêm trọng, bé khóc rồi sẽ tự hết. Nhưng vấn đề ở chỗ, bạn để con khóc càng nhiều, con càng ít khóc. Con chỉ khóc một lần rồi thôi, chúng ta cũng sẽ đỡ bực bội hơn nhiều. Nhưng nếu bạn càng cấm con khóc bao nhiêu, con lại càng khóc nhiều bấy nhiêu, thay vì khóc một lần, con khóc nhiều lần mỗi khi chuyện cũ lặp lại như thế. 

Về nguyên tắc là bạn có thể cấm con làm hành vi sai, nhưng bạn không nên cấm con khóc vì không được làm hành vi đó. Bởi vì, một lần nữa, trẻ con không biết đâu là đúng và sai như chúng ta. Chúng ta biết đúng, sai và chúng ta muốn dạy con không nên làm cái sai. Nhưng nếu chúng ta không cho con làm sai và còn cấm con khóc thì hơi quá đáng. 

Thứ chúng ta muốn nhận là sự hợp tác, rằng con đừng làm sai. Và thứ chúng ta cho là cho con được khóc. Không chỉ đối với con cái, mà trong cuộc sống, đối với nhân viên, bạn bè, người thân xung quanh, chúng ta cũng nên tuân theo nguyên tắc cho-nhận như vậy. Để thay đổi một người, chúng ta chấp nhận con người họ, có những hành vi của họ có thể sửa được, nhưng có những hành vi được gọi là “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, bạn chỉ có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận. 

Đa số chúng ta thường không chỉ áp đặt giá trị sống của mình lên người khác mà còn vô tình áp cả tính cách của mình lên họ. Nếu hiểu được điều này, bạn sẽ trở thành một người cha, người mẹ, người sếp, người đồng nghiệp tốt hơn rất nhiều. Cuộc đời đối với bạn sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Một trong những điều làm người ta thất bại lớn nhất chính là không chấp nhận người khác. Nên chúng ta cần phải chấp nhận họ, và chỉ thay đổi hành vi, dù đó là ai đi nữa.