Giúp con chuẩn bị cho kì thi?

Một chi phụ huynh từng hỏi tôi như sau:

Tôi vừa đọc xong cuốn sách Tôi tài giỏi, bạn cũng thế. Tôi thực sự cảm thấy thật thú vị và bổ ích và hơn thế nữa tôi còn cảm thấy mình thật may mắn khi đã được tìm hiểu những vấn đề mà Tác giả Adam đã nêu. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành tới hai dịch giả đã giúp đỡ cho chúng tôi tiếp cận với kho tri thức bổ ích này bằng ngôn ngữ Tiếng Việt.

Con gái tôi năm nay 11 tuổi và đang chuẩn bị vào học cấp hai ( Cấp Trung học cơ sở). Và chỉ còn đúng 13 ngày nữa là cháu thi vào Trường THCS Marie Curie ( một trường THSC tốt ở Hà nội) và cháu cũng rất khao khát thi đỗ để được vào trường. Tôi tha thiết mong muốn anh chị giúp tôi bằng cách nào đó để cháu nhận ra một điều rằng nếu chữ viết quá cẩu thả, trình bày không cẩn thận thì sẽ mất điểm khi làm bài, bởi kì thi này không giống với bất kì một kỳ thi nào mà cháu đã từng trải qua ( Muốn đỗ thí sinh cần phải có bài làm thật tốt, cạnh tranh nhau từng 0,25 điểm để được vào trường).

Hàng ngày (trong thời gian sắp thi này) tôi thường ở nhà kèm cháu học thêm, biết cháu cẩu thả, làm bài chậm, tôi đã cùng cô giáo gia sư yêu cầu cháu phải làm bài vào tờ giấy thi và bấm giờ theo yêu cầu của đề nhưng lần nào cháu cũng không kịp thời gian, trình bày bài cực kì cẩu thả, các dạng toán ở bộ đề cháu đã từng được luyện rất kỹ nhưng giờ gặp lại cứ như mới, hoặc có giải được thì ra đáp số đúng nhưng trình bày bài thì thật là thậm tệ, khi cháu làm các đề Tiếng việt thì trình bày rất cẩu thả, làm tập làm văn thì sơ sài, thiếu sinh động.

Đọc đến đây chắc anh chị cũng phì cười và đặt câu hỏi ” Tại sao con chị kém cỏi thế mà lại yêu cầu cháu thi vào những trường có yêu cầu cao như vậy? Thật thế, có những lúc tôi cũng tự hỏi mình như vậy. Nhưng hi vọng của tôi thực sự không phải không có căn cứ bởi trong lớp cháu không thực sự vượt trội so với các bạn nhưng cũng đứng trong nhóm 10 học sinh giỏi của lớp ( lớp chọn của 1 trường tiểu học). Những lúc tập trung cháu đã tự làm được những bài văn rất tốt, tự giải những bài toán khó và thao tác khá nhanh, cháu nắm chắc những cấu trúc ngữ pháp, phân tích về ngữ nghĩa chính xác, làm văn đầy cảm xúc… Nhưng tôi thực sự lo lắng khi thời gian này đáng lẽ ra cháu chỉ cần ôn lại những kiến thức đã học bởi tôi không chỉ mới chuẩn bị cho cháu vài tuần nay mà tôi đã chuẩn bị cho cháu học thêm nâng cao từ cách đây 3 năm rồi vậy mà …

Tôi cũng đã cố tiếp thêm sức mạnh cho cháu để vươn tới mục tiêu của mình là thi đỗ vào trường Marie Curie bằng cách cho cháu tiếp cận với những cách đặt ra mục tiêu, sức mạnh của sự tự tin, giá trị của thành công và thất bại… Cháu rất thích những chương đó, tôi đã nhận thấy sự quyết tâm trong cháu, cháu cũng đã tự làm giấy cam kết đưa cho mẹ ký và cũng hiểu cần cố gắng thật nhiều nhưng chỉ sau một thời gian ngắn là cháu lại “ngựa quen đường cũ” lại lơ đễnh lúc làm đề, lại trình bày cẩu thả, sơ sài… Tôi thực sự bó tay với cháu.

Tôi hiểu đâu đó trong tâm trí cháu luôn tồn tại một quan niệm thật vững chắc là Chữ viết như vậy cũng có làm sao đâu, và rồi tệ hại hơn là đầu óc thiếu tập trung đó, chắc đấy cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc khó nhận dạng và quy về dạng toán cơ bản để giải?

Tôi cần phải làm gì để giải quyết vấn đề trên, tôi thực sự mong chờ một giải pháp nào phù hợp từ Anh Chị để giúp cháu từ bỏ các thói xấu trong học tập mà tôi đã nêu trên bởi thói quen đó không chỉ ảnh hưởng đến kết quả trong kỳ thi sắp tới mà còn ảnh hưởng đến cả quá trình học và cả tương lai lâu dài sau này của cháu.

Xin chân thành cảm ơn.

Đây đúng là một câu hỏi khá dài, và câu trả lời của tôi thì cũng dài không kém:

Theo như những gì chị diễn tả, chúng tôi cảm thấy con của chị là một đứa trẻ thông minh và có tư chất. Ví dụ chị viết: “đứng trong nhóm 10 học sinh giỏi của lớp ( lớp chọn của 1 trường tiểu học)” và “cháu đã tự làm được những bài văn rất tốt, tự giải những bài toán khó và thao tác khá nhanh, cháu nắm chắc những cấu trúc ngữ pháp, phân tích về ngữ nghĩa chính xác, làm văn đầy cảm xúc…”.

Với khả năng của cháu như trên, chúng tôi tự hỏi, vấn đề như “chữ viết quá cẩu thả, trình bày không cẩn thận” có phải là những nhãn dán đã vô tình được dán lên cháu. Chị càng có gắng “sửa” những vấn đề ấy, cháu càng tin là cháu “bị” những vấn đề như thế.

Bên cạnh đó, trong 3 năm qua, chị đã làm tất cả những gì có thể để chuẩn bị cho cháu bước vào kì thi quan trọng này. Chúng tôi tin rằng chị đã cho cháu đủ kiến thứ và kĩ năng để đối phó với kì thi này.

Mặc dù trong thư chị yêu cầu chúng tôi giúp con chị “nhận ra một điều rằng nếu chữ viết quá cẩu thả, trình bày không cẩn thận thì sẽ mất điểm khi làm bài”, nhưng rất tiếc là chúng tôi lại không cảm thấy đó là mấu chốt của vấn đề. Hơn nữa, chúng tôi cũng không thể gởi cho chị một bài lý luận tại sao phải viết chữ, trình bày cẩn thận để chị giảng lại cho cháu. Trẻ em lúc nào cũng hành động theo cảm xúc nhiều hơn là lý trí, cho nên, chúng tôi tin rằng, với thời gian chưa đầy 2 tuần, việc đó hoàn toàn không thể và không cần thiết.

mother helps son study

Cùng lúc đó, chúng tôi cũng tin rằng, chị có thể giúp cháu làm nên kì tích (và bản thân chị cũng làm nên kì tích trong vai trò người mẹ) nếu chị…

Thể hiện tình thương và chấp nhận cháu một cách vô điều kiện.

Cho cháu biết và hiểu rằng chị thương và chấp nhận cháu cho dù kết quả kì thi sắp tới có thế nào đi nữa. Hãy lựa lúc để nói cho cháu biết, nếu cháu không thành công trong kì thi, chị và những người thân khác của cháu sẽ rất buồn, nhưng việc đó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc mọi người sẽ thương cháu ít hơn. Và dĩ nhiên, đó là một tình thương hoàn toàn vô điều kiện. Nghĩa là, không phải cháu phải thi đậu thì chị mới thương cháu.

Trẻ lúc nào cũng cần được cha mẹ yêu thương và chấp nhận một cách vô điều kiện. Và việc chị thể hiện tình thương một cách vô điều kiện với cháu, sẽ làm cho cháu cảm thấy bớt căng thẳng hơn trước kì thi. Một tâm lý thoải mái sẽ là yếu tố hàng đầu giúp cháu tập trung tốt để làm bài.

Bên cạnh đó, chị cũng cần tránh so sánh cháu với anh chị em trong gia đình hoặc bất cứ đứa trẻ nào khác. Chị cũng không nên chỉ trích cháu về vấn đề “viết chữ cẩu thả, trình bày không cần thận” nữa. Thay vào đó, hãy nói đơn giản nói với cháu rằng chị tin cháu sẽ làm bài thật cẩn thận, thật hoàn hảo.

Mặc dù, đây là một cách tốt để chị khẳng định khả năng thật sự của cháu và làm cho cháu tự tin hơn. Mấu chốt quan trọng là chị phải thật sự tin tưởng vào khả năng của cháu. Và chị cũng không cần thiết phải lặp đi lặp lại khẳng định ấy mỗi ngày, mà chỉ nói vào những lúc quan trọng nhất, và nói bằng một niềm tin tuyệt đối nhất. Nếu chị lặp đi lặp lại quá nhiều, cháu sẽ cảm nhận được chị không thật sự tin tưởng vào khả năng của cháu như chị nói, và chị sẽ vô tình làm cháu mất tự tin hơn.

Cho cháu hiểu những lợi ích trước mắt của việc thi đậu, và tin tưởng giao cho cháu trọng trách ấy.

Nhiều bậc cha mẹ mắc phải sai lầm là động viên con cái học tập bằng tương lai quá xa vời. Ví dụ: “Nếu con học giỏi, sau này con sẽ có việc làm tốt và kiếm nhiều tiền”. Tiếc thay, đó không phải là động lực của trẻ em mà động lực của người lớn. Tại sao chúng ta lại dung động lực của người lớn (việc làm, kiếm tiền) để khuyến khích trẻ em? Đối với trẻ em, việc có một việc làm tốt và kiếm nhiều tiền hầu như chẳng có ý nghĩa gì (dù chúng quan trọng với người lớn).

Cho nên, cách động viên tốt nhất là cho cháu thấy nếu cháu thành công trong học tập, cháu sẽ lập tức trở nên hết sức “quan trọng” đối với bạn bè, và người xung quanh. Cháu sẽ được nhiều bạn không chỉ cùng lớp, mà cùng trường biết đến và ngưỡng mộ. Chị có thể vẽ lên hình ảnh của một tương lai gần khi cháu thành công thì bản thân cháu sẽ vui thế nào, bạn bè sẽ nể phục cháu thế nào, gia đình sẽ hạnh phúc ra sao, một kì nghỉ hè sẽ trọn vẹn biết bao,…

Trẻ em có óc tưởng tượng rất phong phú. Thay vì nói với cháu “mẹ muốn con…” thì hãy hỏi cháu, “con hãy tưởng tượng, nếu con…, con sẽ cảm thấy như thế nào và mọi người sẽ đối với con như thế nào?”. Khi đó, cháu sẽ tưởng tượng ra tất cả những điều tốt đẹp của việc thành công trong kì thi, và sẽ thật sự khao khát những điều đó.

Trẻ em hay người lớn cũng thế, chúng ta sẽ cố gắng làm tốt việc chúng ta “muốn làm” hơn là việc “bị bảo phải làm” cho dù đó là cùng một việc. Cho nên, chị hãy giúp con chị “muốn thi đậu” thay vì nói với cháu “mẹ muốn con phải thi đậu”.

Bên cạnh đó, hãy giao lại “tay lái” cho cháu, tin tưởng cháu có thể tự mình lèo lái qua kì thi (vì dù sao chị cũng đã giúp cháu “lèo lái” hơn 3 năm rồi). Một khi chị đặt cháu vào vị trí quan trọng của người nắm giữ trọng trách. Cháu sẽ cảm thấy tự tin hơn và bắt đầu hành động một cách có trách nhiệm. Chị có thể thực hiện việc này bằng cách nới lỏng cháu dần dần từ đây đến ngày thi. Thay vì bắt buộc cháu phải ôn thi mỗi ngày bao nhiêu thời gian, phải ôn thi vào lúc nào, ôn cái gì, chị hãy trò chuyện và hỏi cháu muốn ôn thi thế nào, ôn cái gì. Lằng nghe 100% và giúp cháu thực hiện kế hoạch đó của chính cháu. Chị chỉ đóng vài trò ngườ giúp đỡ, động viên. Điều quan trọng là chị phải tin tưởng mà giao “tay lái” cho cháu 100%.

Để cháu thay đổi, chị sẽ phải thay đổi trước.

Vì chị viết thư hỏi chúng tôi, và chúng tôi cũng muốn làm hết sức để giúp chị, nên chúng tôi buộc lòng phải đề cập đến vần đề tế nhị này.

Nếu chị đọc lại bức thư của chị, chị sẽ thấy bản thân chị có nhiều cái nhìn khá “tiêu cực” về cháu. Ví dụ: chữ xấu, cẩu thả, trình bày thậm tệ, chậm chạp, sơ sài, thiếu sinh động, ngựa quen đường cũ, nhiều thói xấu,…

Chúng tôi không rõ chị có hay nói với cháu những điều đó không. Nhưng ngay cả khi chị chỉ nghĩ về cháu như thế. Chị cũng đã vô tình làm ảnh hưởng đến sự tự tin của cháu. Đơn giản là vì, khi chị mang những ý nghĩ đó trong đầu, dù không nói ra, cách chị hành động và đối xử với cháu cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ tiêu cực đó.

Nhiều bậc cha mẹ cứ sợ con mình tự kiêu nên rất ít khi khen con, mà chỉ đơn giản đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn cho con. Thành ra, đứa trẻ cảm thấy như là bản thân nó vô dụng, và cho dù nó làm gì cũng chẳng bao giờ được như ba mẹ mong muốn. Cho nên, thay vì cố gắng hơn (như ba mẹ mong muốn), trẻ quyết định bỏ cuộc hoàn toàn.

Để giúp cháu thay đổi, ngay từ bây giờ, chị hãy thay đổi cách nghĩ về cháu theo chiều hướng tích cực. Con của chị là một đứa trẻ thông minh, có khả năng, có thể tập trung, có thể làm bài cẩn thận và dĩ nhiên sẽ có thể đậu vào trường Marie Curie. Vấn đề là chị cần phải giúp cháu phát huy hết khả năng (thay vì chỉ tập trung vào việc sửa chữa khuyết điểm như hiện nay).

Rõ ràng, niềm tin của bậc làm cha làm mẹ đối với con cái, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc chúng có phát huy hết khả năng của bản thân hay không.

Ví dụ: tác giả Adam Khoo lúc nhỏ học hành rất kém cỏi, mà kém nhất là môn toán, một phần vì mẹ Adam cứ cho rằng Adam “dốt” toán do gen di truyền của bà.

Hoặc ví dụ ngược lại: lúc tôi học tiểu học lớp 5 ở một trường nhỏ không tên tuổi, tôi may mắn đậu vớt vào đội tuyển chuyên toán của quận (đậu hạng chót trong số 20 học sinh được chọt, với số điểm 1,5/10). Nhưng vì đó là điều mà chưa bất kì một học sinh nào trong ngôi trường tiểu học lụp xụp của tôi làm được trước đó, mẹ tôi rất mực tin rằng tôi có năng khiếu xuất sắc về toán. Nhiều người sẽ cười sao mẹ tôi ngây ngô thế, nhưng họ sẽ bất ngờ khi chỉ khoảng 10 tháng sau, tôi đậu thủ khoa vào lớp chuyên toán của một trường chuyên cấp 2 hàng đầu trong TPHCM, vượt qua nhiều học sinh đạt các giải toán toàn quốc. Và đó không phải do may mắn, vì sau một thời gian dạy tôi, chính thầy giáo chủ nhiệm đã nói với mẹ tôi rằng, tôi là một tài năng toán học trẻ mới được phát hiện. Chính “niềm tin ngây ngô” của mẹ tôi ngày nào đã tạo tiền đề cho tôi bước ra từ một trường tiểu học lụp xụp để vào các trường chuyên cấp 2, 3 hàng đầu, vào đại học, đi du học,…

Cho nên, liệu chị có tin con chị là một tài năng và sẽ giúp cháu phát huy tài năng đó hay không?

Kì thi trước mắt, chúng tôi dĩ nhiên không thể nói trước cháu sẽ thành công hay thất bại. Nhưng chúng tôi dám khẳng định tương lai của cháu phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của chị dành cho cháu, cũng như việc chị giúp cháu phát huy khả năng, cho dù cháu có học ở ngôi trường mà chị mong muốn hay không.

Một khi khả năng được phát huy thì những khuyết điểm sẽ tự động biến mất. Một học sinh không thể giỏi toán và dốt toán cùng lúc, nhưng một học sinh có thể không dốt toán và cũng không giỏi toán cùng lúc. Đó là sự khác biệt giữa phát huy khả năng và sửa chữa khuyết điểm.

Để tóm lại, chúng tôi mong chị ghi nhớ 3 điều quan trọng sau đây nhằm giúp cháu thành công trong học tập và cả cuộc sống:

1. Yêu thương và chấp nhận cháu một cách vô điều kiện.
2. Tin tưởng, giao trọng trách cho cháu và đặt bản thân mình vào vị trí của người hướng dẫn, hỗ trợ.
3. Tin 100% vào khả năng thực thụ của cháu và giúp cháu phát huy khả năng đó.

Chia sẻ lên: