Người nghèo thường không có tư duy về đầu tư. Họ chỉ biết làm một việc đã được dạy từ trước đến giờ, đó là bán rẻ thời gian của mình để kiếm tiền, và rằng đó cũng là cách duy nhất để có được tiền.

Đúng là việc bán thời gian để kiếm tiền cho dù là bất kỳ công việc gì, miễn đó là công việc chân chính, thì đều đáng trân trọng. Nhưng một công việc đáng trân trọng không có nghĩa đó là điều nên làm, vì có thể nó không phải là điều tốt nhất để làm. Chúng ta thường hay nhầm lẫn và đánh tráo khái niệm, cho rằng một công việc đáng trân trọng là công việc tối ưu và tốt nhất cho mình. Nhiều người cứ tự huyễn hoặc rằng, miễn họ sống lương thiện, chân chính, kiếm đồng tiền sạch sẽ thì như vậy là ổn. Thật ra như vậy chưa chắc đã ổn, vì có những thứ tốt hơn và thật ra “ổn” hơn rất nhiều. Nhưng chúng ta thường không dám chấp nhận rủi ro và dám thoát ra khỏi vòng tròn thoải mái của mình, chúng ta không dám dẫn đầu, không dám làm một điều gì đó khác hơn, nên chúng ta cứ tự huyễn hoặc mình.

Tư duy của người nghèo thường là kiểu tư duy ngắn hạn, đổi một khoảng thời gian ngắn để lấy được tiền ngay. Với những người giàu hơn một chút và có tư duy dài hạn hơn, họ đi làm và nhận lương hàng tháng. Với những người nghèo nhất trong xã hội, họ thậm chí nhận lương theo ngày, làm ngày nào thì nhận ngày đó. 

Nếu một người nhận lương theo ngày, ví dụ lương được 250 nghìn/ngày, thì sẽ được 7,5 triệu/tháng. Nhưng thật ra để có được con số thu nhập đó phải thỏa 2 điều kiện. Một là phải làm đủ 30 ngày/tháng không nghỉ. Hai là phải có việc để được làm đủ 30 ngày. Điều kiện thứ nhất thì tùy thuộc sức người, do chúng ta quyết định. Nhưng điều kiện thứ hai phụ thuộc vào ngoại cảnh, vào việc có khách hàng hay không. Vậy nên thât ra, một người nhận lương theo ngày như ví dụ trên thường chỉ kiếm được khoảng 3-4 triệu/tháng, vì không phải lúc nào cũng có việc cả. Chưa hết, số tiền thù lao nhận được trong ngày cũng phải giữ được. Có người nhận việc làm, phải chạy từ tỉnh lên thành phố, một ngày được trả 500 nghìn, nhưng xe bị hỏng phải sửa hết 400 nghìn, vậy thì không khác gì hôm ấy làm không công.

Vấn đề của người nghèo là ở chỗ, họ không nhận ra rằng họ cần phải học, ngay cả khi họ được học miễn phí. Dù họ không bận rộn hết cả 30 ngày/tháng, nhưng vẫn giữ suy nghĩ như vậy, vì trong đầu họ không bao giờ nghĩ rằng việc học và đầu tư vào bản thân sẽ thay đổi cuộc đời mình. Họ chỉ nghĩ đơn giản là “nếu không có việc này thì đi tìm việc khác để làm”, và cứ như vậy, họ loanh quanh, luẩn quẩn với cái nghèo của mình.