Xã hội càng phát triển thì lượng kiến thức mới càng nhiều. Song song với đó, các kiến thức cũ sẽ liên tục bị đào thải. Đó là lí do chúng ta có khái niệm “chu kỳ bán rã của tri thức” (haft-life of knowledge).

Khái niệm này chỉ ra thời gian mà một nửa lượng kiến thức bị thay thế. Tùy vào lĩnh vực mà chu kỳ này sẽ khác nhau. Ví dụ, đối với ngành IT, chu kỳ bán rã của tri thức là khoảng 1-2 năm. Điều này cũng áp dụng với cả tấm bằng đại học. Tức là nhiều khả năng, khi ra trường sau khoảng 4-5 năm, một phần lớn kiến thức mà bạn đã vất vả tiếp thu trên giảng đường không thể sử dụng được nữa.

Chúng ta đang sống trong thời đại của công nghệ, khi mà thông tin trở nên tràn lan một cách miễn phí. Nếu không có cho mình một chiến lược học tập và tiếp thu kiến thức mới một cách hiệu quả thì rất có thể, bạn sẽ khó cạnh tranh được với thế hệ sau – những người được trang bị kiến thức mới nhất. Vậy, đâu là hướng đi cho chúng ta?

Dưới đây là 3 gợi ý nhằm để hạn chế tác động tiêu cực của chu kỳ bán rã tri thức đối với sự phát triển của bản thân:

1. Luôn cập nhật kiến thức:

Giả sử, để đạt được lượng kiến thức hiện tại trong lĩnh vực đang làm, bạn bỏ ra 5000 giờ. Đồng thời, chu kỳ bán rã là 10 năm (hiện tại con số này đã thấp hơn rất nhiều), thì mỗi tuần ít nhất bạn phải bỏ ra 5 tiếng đồng hồ học hỏi để có thể giữ lượng kiến thức đó như mức ban đầu. Do vậy, để không bị bỏ lại vì những kiến thức lỗi thời, bạn phải liên tục làm mới mình. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều người như Bill Gates, Warren Buffett và Elon Musk có vẫn luôn giữ thói quen đọc sách và cập nhật kiến thức mỗi ngày dù họ đã là tỷ phú.

2. Học hỏi có chọn lọc:

Không phải kiến thức nào cũng có chu kỳ bán rã như nhau. Những kiến thức nền tảng, mang tính quy luật sẽ có chu kỳ bán rã thấp hơn. Vì thế, thay vì tập trung vào những kiến thức “mì ăn liền”, việc tập trung tiếp thu những kiến thức cốt lõi, hệ thống sẽ giúp bạn ít tốn thời gian cập nhật lại hơn. Bên cạnh đó, những kiến thức về cách học, cách tư duy, sắp xếp và hệ thống hóa thông tin là cực kỳ hữu ích khi nó giúp bạn quản lý lượng kiến thức mình có. Đây là nhóm kiến thức cực kỳ đáng để đầu tư.

3. Giữ đầu óc mở để tiếp thu những kiến thức đa chiều

Khi bạn tiếp thu kiến thức đủ nhiều, bạn sẽ sẽ nhận ra có sự liên hệ nhất định giữa các lĩnh vực. Ngày nay, có nhiều vấn đề mới xuất hiện cần không chỉ một mà nhiều kiến thức từ các lĩnh vực khác nhau để giải quyết. Việc giữ đầu óc mở để tiếp thu những thứ mới, ngay cả đó không phải là lĩnh vực của bạn sẽ giúp bạn kết nối các ý tưởng và sáng tạo một cách hiệu quả hơn. Đây chính là cách để tận dụng tối đa kiến thức bạn có trước khi chúng bị lỗi thời. Elon Musk thành công ở nhiều lĩnh vực là bởi ông áp dụng điều này một cách xuất sắc. Đương nhiên, chúng ta không phải ai cũng là thiên tài như Elon Musk. Nhưng ít nhất, việc hiểu biết một các rộng sẽ cung cấp cho bạn một góc nhìn đa chiều và khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả hơn rất nhiều.

Tổng kết: Trước vấn đề tri thức đang thay đổi và đào thải với một tốc độ chóng mặt, việc thường xuyên cập nhật kiến thức mới một cách có chọn lọc và giữ đầu óc mở để tiếp thu kiến thức mới sẽ giúp bạn có một lợi thế lớn trong sự nghiệp cũng như cuộc sống của mình.