Khi tôi học cấp một, vì hoàn cảnh kinh tế gia đình vẫn còn rất khó khăn, nên mẹ chỉ đủ tiền xin cho tôi vào học tại một ngôi trường bình dân cũ kĩ, nằm sâu trong một con hẻm nhỏ hẹp ở một xóm lao động nghèo. Hàng ngày, trời mưa cũng như nắng, tôi phải tự mình lội bộ một quãng đường dài từ nhà để đến trường. Có khi cả năm tôi đi học với vài bộ đồ lem luốc cùng chiếc cặp sách không dây đeo, hỏng quai và hỏng khóa, khiến tôi phải luôn ôm cặp trước ngực. Tài sản quý giá nhất của tôi lúc đó là một cây viết máy mà mẹ phải để dành tiền rất lâu để mua cho. Nhưng vì cặp tôi bị thủng, viết máy rơi mất, thế là tôi lại phải dùng viết chấm mực.

Cổng trường nơi tôi học có nhiều gánh hàng bán đồ ăn giá rẻ cho học sinh. Nhưng với tôi những hàng quà đó lại luôn là những món ăn xa xỉ. Lâu lâu, được mẹ cho ít tiền, tôi la cà vào hàng phở ven đường, đứng tần ngần một hồi rồi mới dám kêu một suất “đặc biệt” – không thịt, ít bánh phở nhưng nhiều nước để húp cho no bụng, và nhất là để vừa vặn với số tiền ít ỏi tôi có trong túi. Thậm chí, cái thói quen ăn phở rồi húp đến cạn cả nước có từ tuổi thơ nghèo khó ấy vẫn theo tôi đến tận sau này. Khó khăn lắm tôi mới bỏ được thói quen ấy.

Học sinh ở trường đa số là con em của các gia đình lao động nghèo, ngoài giờ học thì đều phải làm đủ các nghề để kiếm sống hoặc phụ gia đình buôn bán nhỏ. Chúng tôi học thì ít, choảng nhau thì nhiều. Vì là đứa nhỏ con nên tôi vẫn hay bị tụi bạn ở lại lớp nhiều năm, to con và lớn tuổi hơn, bắt nạt. Do phải thường xuyên sống trong nỗi sợ sệt nên khi còn bé, lúc nào tôi cảm thấy mình là một đứa trẻ yếu ớt và kém cỏi. Thậm chí, năm tôi học lớp 1, tôi hay bị chúng bạn đánh trong trường, cộng thêm việc bị cô giáo đánh giá là một học sinh chậm tiến so với các bạn, tôi nằng nặc đòi nghỉ học sau một học kỳ. Hậu quả là lần đó mẹ cho tôi một trận đòn nhớ đời. Đó là lần đầu tiên và cũng có lẽ là lần duy nhất mẹ đánh tôi đau như thế – chắc lúc đó mẹ đã buồn lắm. Năm đó, tôi chỉ học lớp 1 được một học kỳ rồi phải nghỉ ở nhà. Mẹ buồn nhưng không bao giờ bỏ cuộc, dù bản thân mẹ chưa học hết cấp 3, mẹ vẫn cố gắng hết sức kèm cặp tôi tại nhà hai môn chính tả và toán. Tôi vẫn còn nhớ mẹ đã bất lực thế nào khi tôi học kém đến mức chẳng bao giờ nhớ nỗi chữ “th”.

Cũng vì thường bị hiếp đáp, chuyện đến trường đối với tôi chẳng mấy thú vị nhưng tôi không dám nói cho mẹ biết, và thật ra nói cho mẹ thì cũng chẳng giải quyết được gì vì mẹ không thể đi theo bảo vệ tôi suốt. Nếu mẹ nói với thầy cô thì mọi chuyện sẽ còn tệ hơn, vì thầy cô mà kỉ luật những đứa hiếp đáp tôi thì chúng nó sẽ còn chặn đường đánh tôi nhiều hơn. Cho nên, từ bé tôi đã phải học cách “sống chung” với “kẻ thù”, học cách tự lo cho bản thân mình và đứng vững trên đôi chân của mình.

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ khoảng cuối năm lớp 4 khi tôi bắt đầu lớn nhanh hơn, to con hơn, trở nên gan lì hơn và biết… đánh nhau. Đó là thời gian mà tôi xem việc đánh nhau mỗi ngày như một môn thể thao. Những lúc chẳng có lý do gì để để đánh nhau thì chúng tôi lại chơi… đánh vật. Giờ chơi của tôi luôn kết thúc với mồ hôi ướt đẫm, quần áo nhàu nát, dơ bẩn và đầy những vết tay vết chân.

Trong những ngày tháng đó, tôi tự rút ra được một bài học kinh nghiệm trong đánh nhau. Đó là bất chấp đối thủ có to con hơn, khỏe hơn, nhưng nếu bạn chịu đòn giỏi hơn, bạn sẽ thắng. Bài học kinh nghiệm này đã vô tình theo tôi trong suốt quãng đời còn lại.

Không quan trọng là cuộc đời đấm vào mặt bạn bao nhiêu lần, mà quan trọng là bạn chịu được bao nhiêu quả đấm mà vẫn có thể đứng dậy tiếp tục chiến đấu để rồi chiến thắng trong trò chơi cuộc sống.

(Trích từ chương “Thần đồng toán học” – sách Sống và Khát Vọng)