Có một số người hiểu lầm rằng chỉ có người nổi tiếng mới đầu tư vào thương hiệu cá nhân. Thế nhưng sự thật ở đây là bạn không cần phải thành người nổi tiếng để làm điều đó. Ngoài ra, khi đầu tư thương hiệu cá nhân thì bạn vô tình xây dựng nên thương hiệu lãnh đạo của mình. Bạn càng làm thì bạn càng có sức ảnh hưởng, bạn càng có thương hiệu cá nhân nhiều bao nhiêu thì sức ảnh hưởng của bạn đối với những người xung quanh càng lớn bấy nhiêu. Đó là sự thật.
Nếu bạn xây dựng hình ảnh bản thân mình là một người chăm chỉ học hành, một người khao khát vươn lên, thì ai có dự án kinh doanh cũng sẽ mời bạn tham gia. Bạn hãy thử nghĩ mà xem, lời mời có đến với một người luôn loanh quanh luẩn quẩn với công việc thường ngày, lúc nào suy nghĩ cũng rất tiêu cực, không có năng lượng, tinh thần yếu đuối, lúc nào cũng chán nản, than thân trách phận hay không? Chắc chắn là không.
Rất nhiều người hiểu lầm rằng chỉ có người nổi tiếng mới cần thương hiệu cá nhân. Thực ra, cách bạn ăn nói, cách bạn di chuyển, cách bạn đối xử với người khác, cách bạn hành xử, tất cả mọi thứ bạn làm trong cuộc đời của mình, từ chuyện nhỏ đến lớn đều tạo nên thương hiệu cá nhân của bạn. Mỗi một thứ đó đều xây dựng nên hình ảnh của bạn trong mắt người khác. Thương hiệu cá nhân của bạn càng đẹp bao nhiêu thì bạn càng có lợi thế cạnh tranh lớn bấy nhiêu.
Thống kê cho thấy hai người cùng năng lực nhưng có thương hiệu cá nhân khác nhau thì mức lương có thể chênh lệch gấp đôi. Bạn mặc quần áo chỉnh tề đi phỏng vấn thì lương bạn sẽ cao hơn một ít và ngược lại, bề ngoài của bạn luộm thuộm thì lương bạn sẽ thấp hơn một chút. Đó là kết quả từ rất nhiều nghiên cứu. Bạn không chịu đầu tư vào hình ảnh và thương hiệu của mình thì bạn sẽ thiệt thòi rất nhiều.
Lấy ví dụ như Facebook. Nhiều người dùng Facebook để giải trí và đó là suy nghĩ hết sức sai lầm. Facebook là nơi cho cả thế giới biết bạn là ai theo cách tích cực nhất có thể. Trong cuộc sống, khi có những điều buồn phiền chán nản, bạn vẫn có thể viết trên Facebook rồi để chế độ Only Me (Chỉ mình tôi), một mình đọc thôi. Bạn cũng có thể lập một nhóm những người bạn, có vấn đề gì, than thở gì thì cứ chia sẻ trong nhóm. Còn những điều tích cực, những gì yêu đời, có ý nghĩa, có giá trị thì bạn đưa lên Facebook để chia sẻ mọi người cùng xem. Đó là một trong những cách xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội.
Trong khóa học Quantum Leap, chúng tôi tổ chức cuộc thi đăng Facebook để nhận sách miễn phí. Qua đó, người tham gia không chỉ giúp chúng tôi quảng bá chương trình này, lan tỏa giá trị cho cộng đồng mà còn giúp cả bản thân những bạn tham gia. Tại sao ư? Bạn đăng lên mạng xã hội, người ta nhìn thấy bạn đi học, và khi thấy bạn đi học nhiều thì họ sẽ nghĩ bạn thông minh dù chẳng biết bạn học gì cả. Đó là tâm lý. Nhiều học viên của tôi sau khi kết thúc khóa học vẫn ở lại chụp hình với tôi, hoặc đăng những tấm bằng chứng nhận lên trang cá nhân để xây dựng thương hiệu. Có bạn nghĩ, một tấm bằng không giải quyết được gì cả. Đúng! Nhưng nước chảy đá mòn. Bạn đăng một tấm bằng, mọi người không thấy bạn giỏi, nhưng bạn đăng 20 tấm bằng thì mọi người sẽ nhìn bạn theo một cách khác. Thỉnh thoảng bạn lại đăng một tấm bằng, giới thiệu vài quyển sách, vài câu trích dẫn sâu sắc trên tài khoản mạng xã hội, dần dần bạn sẽ xây dựng trong đầu người khác hình ảnh rằng đây là một con người tốt, có hiểu biết, có học thức. Và đó là thương hiệu cá nhân của bạn.
Bạn hoàn toàn có thể có sức ảnh hưởng đối với những người xung quanh nếu bạn biết tạo ra sức ảnh hưởng đó. Có nhiều người hiểu lầm rằng mình phải là diễn viên, ca sĩ, là diễn giả nổi tiếng mới cần thương hiệu cá nhân. Thực ra, tất cả mọi người đều cần THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN.