Mọi người thường có khuynh hướng cho rằng mình đã cố gắng hết sức, nhưng thật ra, phần lớn thời gian thì họ vẫn chưa cố gắng hết sức mình.

Nghiên cứu khoa học đã chứng minh điều đó. Các nhà nghiên cứu lấy một công việc chia cho 2 nhóm, 2 nhóm này không quen biết nhau và cũng không biết nhóm kia tồn tại. Các nhà nghiên cứu nói với một nhóm rằng, hãy làm việc hết sức, công việc này thường mất 8 tiếng để hoàn thành. Nhóm này thực hiện công việc, cố gắng hoàn thành trong 8 tiếng. Có những người làm trong khoảng đó, có những người cố gắng nhiều hơn thì mất khoảng 7-7,5 tiếng. Cũng có những người cố gắng ít hơn, mất khoảng 9, thậm chí là 10 tiếng để hoàn thành.

Ở nhóm còn lại, với cùng một công việc đó, nhưng họ được nói rằng, công việc này thường mất 3 tiếng thì xong. 3 tiếng và 8 tiếng là một khác biệt rất lớn. Nhưng khi người trong nhóm này biết rằng họ chỉ có 3 tiếng để hoàn thành công việc, họ cũng loay hoay tìm cách để làm trong 3 tiếng. Người làm chậm thì mất 4 tiếng, thậm chí có người chỉ mất 2,5 tiếng. 

Điều thú vị là khi nhóm này được phỏng vấn và hỏi xem họ có cảm thấy mình hiệu quả hay không, thì có người cảm thấy mình rất hiệu quả hoặc tương đối hiệu quả. Những người làm mất 4 tiếng thì cảm thấy họ không hiệu quả lắm, bởi vì họ lấy chuẩn mực 3 tiếng để so sánh. Những người ở nhóm 8 tiếng cũng được phỏng vấn tương tự và cũng cho rằng mình hiệu quả. Tuy nhiên, nếu so sánh kết quả của hai nhóm này với nhau, chúng ta thấy rằng, người rất hiệu quả của nhóm 8 tiếng thật ra lại mất gấp đôi thời gian của những người kém hiệu quả ở nhóm 3 tiếng. Và đó chính là vấn đề của tất cả chúng ta.

Vấn đề của chúng ta là ta có khuynh hướng nghĩ rằng mình đã cố gắng hết sức, nhưng thật ra chúng ta vẫn chưa. Ví dụ trong lĩnh vực bán hàng, phần lớn những người làm sale sẽ bỏ cuộc ở lần theo đuổi khách hàng thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Nhưng thống kê cho thấy, khi bán hàng, bạn phải theo chân khách hàng ít nhất 4 lần. Phần lớn các vụ chốt sale diễn ra ở lần thứ tư vì vào lúc này, khả năng chuyển đổi được khách hàng là rất cao. Với nhóm khách hàng dễ tính, có thể bạn sẽ chốt được ở lần đầu tiên. Nhưng với nhóm khách hàng khó tính, hãy theo chân họ ít nhất 4 lần rồi hẵng bỏ cuộc.

Hãy thử tưởng tượng bạn là một nhân viên bán hàng đang tiếp cận một khách hàng cũ đã lâu không tương tác với công ty, với mục đích mời họ trở thành khách hàng VIP. Bạn thực hiện cuộc gọi đầu tiên với khách hàng, sau khi đưa ra những quyền lợi hấp dẫn, đừng ngạc nhiên nếu họ chưa chấp nhận lời để nghị ngay. Bởi vì thực ra cuộc gọi đầu tiên nhiều khả năng sẽ không để lại nhiều thông tin trong trí nhớ khách hàng, họ gần như là nghe để biết và sẽ không quan tâm lắm. Sau đó bạn hãy gọi lại lần thứ hai, trình bày ngắn gọn hơn để nhắc lại vấn đề và xem xem khách hàng đã cân nhắc lời để nghị hay chưa, và đảm bảo rằng họ vẫn nắm được thông tin về quyền lợi. 

Khách hàng có thể tiếp tục quên về cuộc gọi và lời đề nghị hấp dẫn của bạn. Nhưng hãy kiên nhẫn thực hiện cuộc gọi thứ ba và thứ tư giống như vậy vào một lúc khác. Nếu khách hàng thật sự không hề có ý né tránh mà chỉ vô tình quên, gần như từ cú điện thoại thứ tư, khả năng cao là họ sẽ nhớ rất rõ lời đề nghị của bạn, thậm chí là bị nó ám ảnh. Khi nó trở thành một việc mà họ không chỉ là phải làm sớm, mà là phải làm ngay, thì bạn đã thành công.

Vì vậy, đa số mọi người nghĩ rằng họ đã cố gắng hết sức, nhưng sự thật là họ chưa. Bạn có khả năng làm nhiều hơn, thậm chí là nhiều hơn hôm nay gấp 2-3 lần mà không nhận ra điều đó. Tâm lý chung của tất cả mọi người là: “Ta đã cố hết sức. Ta đã không còn cách nào khác”. Nhưng thật ra trong cuộc đời sẽ luôn có cách khác tốt hơn.